Chăm sóc người bệnh ngộ độc cấp qua đường tiêu hóa

I. Mục đích

Giúp cho người bệnh:

  • Loại bỏ nhanh chất độc ra khỏi cơ thể
  • Tránh cho chất độc không vào lại cơ thể, không gây tác hại nặng thêm cho cơ thể như sặc vào phổi.
  • Giải thích và động viên người bệnh hợp tác điều trị và tránh tái phát.

II. Chuẩn bị

1. Người bệnh:

  • Nằm nghiêng bên trái, đầu thấp
  • Giải thích cho người bệnh và gia đình người bệnh để hơp tác.

2. Người thực hiện:

  • Y tá- điều dưỡng phải đầy đủ trang phục y tế.
  • Rửa tay trước khi chuẩn bị dụng cụ.
  • Phải đảm bảo tuyệt đối vô khuẩn trong khi thực hiện chăm sóc người bệnh

3. Nơi thực hiện:

  • Khoa cấp cứu
  • Khoa hồi sức cấp cứu
  • Khoa chống độc

4. Dụng cụ

  • Tăm bông ngoáy họng gây nôn
  • Bộ rửa dạ dày gồm: thông rửa cỡ lớn 36 – 40 Fr (người lớn), 26 – 30 Fr (trẻ em)
  • Dịch rửa dạ dày NaCl đẳng trương 9%0 (nếu không có dùng nước sạch pha muối 5g/lít)
  • Than hoạt 20g – 5 gói.
  • Thuốc giải độc đặc hiệu cho ngộ độc thuốc.
  • Sorbitol 5g – 10 gói.
  • Sirô Ipeca 30 ml
  • Nhiệt kế, máy đo huyết áp, máy điện tim
  • Bộ đặt nội khí quản và ống nội khí quản khi có chỉ định của bác sĩ

III. Các bước tiến hành

1. Gây nôn (chỉ gây nôn nếu người bệnh tỉnh, mới uống chất độc)

  • Cho uống 30 ml Sirô Ipeca (trẻ nhỏ 15 ml), 5-10 phút sẽ nôn
  • Hoặc dùng một tăm bông kích thích họng gây nôn. Khi người bệnh nôn nên để đầu người bệnh thấp, tránh sặc chất nôn vào phổi.

2. Rửa dạ dày:

  • Rửa dạ dày khi có chỉ định của thầy thuốc, người bệnh còn tỉnh mới uống chất độc dưới 3 giờ, nếu người bệnh rối loạn ý thức, co giật phải đặt nội khí quản trước khi rửa do bác sĩ thực hiện.
  • Để người bệnh nằm nghiêng bên trái đầu thấp, đưa thông rửa (Faucher) cỡ 36 – 40 Fr với người lớn và cỡ 26 – 30 FG với trẻ nhỏ qua mũi (hoặc mồm) vào dạ dày, nhớ bôi dầu paraphin bên ngoài ống thông tránh sây sát niêm mạc mũi. Đưa nước rửa (NaCl 0,9%) 200 ml vào dạ dày qua thông, sau đó để đầu thông xuống thấp 50 – 60 cm cho nước chảy ra, lấy 100 ml dịch đầu làm xét nghiệm độc chất, làm nhiều lần như vậy để rửa sạch dạ dày (hết mùi, dịch trong) thì cho vào dạ dày 30 gam than hoạt + 30 gam Sorbitol. Sau 2 giờ có thể rửa lần 2 theo lệnh của bác sĩ.

3. Than hoạt:

Nếu chưa rửa được dạ dày, có thể cho than hoạt trước khi rửa và cả sau khi rửa. Nếu là chất độc nguy hiểm có thể cho than hoạt nhiều lần trong 1 ngày (120 – 150g/24 giờ mỗi lần 20 gam).

4. Cho uống Sorbitol 30 gam sau mỗi lần cho than hoạt.

5. Truyền dịch NaCl đẳng trương 9%ỡ, Glucose 5% hay bicarbonat khi người bệnh có dấu hiệu hạ huyết áp theo chỉ định của bác sĩ.

6. Nếu người bệnh có suy hô hấp phải thở ô xy, bóp bóng Ambu, nếu sặc cần hút đờm ngay.

IV. Đánh giá, ghi hồ sơ và báo cáo

  • Đánh giá người bệnh: tỉnh hay hôn mẽ, tím, nhịp thở, mạch, huyết áp, lượng nước tiểu, đồng tử co, giãn.
  • Ghi hồ sơ:
    + Tinh thần.
    + Mạch, huyết áp, nhịp thở, đồng tử, lượng nước tiểu, nhiệt độ.
  • Báo cáo: tình trạng người bệnh, nghi ngờ độc chất, kết quả điều trị cho bác sĩ và tua trực sau.
  • Lập kế hoạch chăm sóc tiếp theo.

V. Hướng dẫn người bệnh và gia đình

  • Hướng dẫn: chế độ ăn kiêng, uống nước, giữ ấm
  • Hướng dẫn cho gia đình và người bệnh cách đề phòng ngộ độc tái phát.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *