Nội dung bài viết
I. Mục đích
- Chăm sóc vệ sinh toàn thân và các hốc tự nhiên, chống nhiễm khuẩn.
- Chăm sóc mắt chống biến chứng viêm loét, dính dẫn tới mất, giảm thị lực.
- Nuôi dưỡng người bệnh đúng, bảo đảm năng lượng bằng cả đường tiêu hoá và truyền tĩnh mạch.
- Giúp duy trì cân bằng nước điện giải.
- Theo dõi phát hiện điều trị kịp thời biến chứng suy hô hấp, suy thân cấp.
II. Chuẩn bị
1. Người bệnh:
- Giải thích cho người bệnh hoặc người nhà người bệnh biết việc mình sắp làm để họ yên tâm.
- Nếu người bệnh nặng cần có người phụ giúp
2. Người thực hiện:
- Y tá – điều dưỡng phải đầy đủ trang phục y tế.
- Rửa tay trước khi chuẩn bị dụng cụ.
- Phải đảm bảo tuyệt đối vô khuẩn trong khi thực hiện chăm sóc người bệnh.
3. Nơi thực hiện:
Tại giường bệnh
4. Dụng cụ
- Hộp dụng cụ chăm sóc gồm: bông gạc củ ấu, pince có mấu và không mấu.
- Nước muổi sinh lí.
- Dụng cụ vệ sinh toàn thân: chậu, khăn bông, nước sạch ấm.
- Thuốc nhỏ mắt nước và mỡ kháng sinh.
- Các dung dịch sát khuẩn betadin.
- Bột dinh dưỡng, sữa, súp, cháo.
- Dụng cụ tiêm truyền.
- Dung dịch tiêm truyền: Lipofundine, glucose ưu trương, dung dịch điện giải.
III. Các bước tiến hành
- Chăm sóc vệ sinh toàn thân: theo thứ tự đầu, mặt, mắt, mũi, răng miệng, thân mình, tứ chi, tầng sinh môn.
- Rửa mặt bằng nước sạch, rửa vùng quanh mắt bằng gạc ẩm vừa đủ tránh nước rửa xung quanh chảy vào mắt.
- Rửa mắt bằng dung dịch nước muối đẳng trương 9%0 hoặc chlorocid 0,4%. Tra mắt bằng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ, thường dùng nhất là dung dịch chlorocid 0,4% nhỏ mắt ngày 4-6 lần, băng kín mắt nếu cần tránh nhiễm khuẩn. Nhỏ mũi ngày 3-4 lần bằng thuốc chuyên khoa.
- Chăm sóc vệ sinh toàn thân, nếu có loét trọi da có thể bôi dung dịch Milian hoặc xanh methylen.
- Niêm mạc miệng lưỡi: sau khi vệ sinh răng miệng cần bôi dung dịch glycerin borat chống khô, nứt, loét niêm mạc.
1. Bảo đảm nuôi dưỡng người bệnh đầy đủ: 1500Kcalo/ngày.
- Nếu nhẹ có thể ăn bằng đường miệng bằng thức ăn mềm dễ tiêu: sữa, cháo, súp, phở…
- Nếu đau họng miệng, thực quản, dạ dày có thể giảm đau bằng paracetamol viên sủi, ngày 3-4 viên trước khi ăn, hoặc súc miệng bằng dung dịch lidocain giữ trong miệng 3-5 phút trước khi nhổ ra.
- Nếu tổn thương niêm mạc dường tiêu hoá nặng không ăn được hoặc ăn không đủ cần nuôi dưỡng thêm bằng đường tĩnh mạch các loại dung dịch dinh dưỡng, dung dịch đạm, dung dịch lipid, dung dịch đường. Cần tính toán để đảm bảo nhu cầu năng lượng và proteine, vitamin.
2. Duy trì cân bằng nước, điện giải:
- Theo dõi nước vào(ăn uống, truyền) và ra (tiểu, nôn, dịch dẫn lưu nếu có…).
- Bổ sung dủ muối NaCl và KC1: truyền dung dịch NaCl 9‰, cho thêm muối ăn vào các loại sữa thiếu muối, bổ sung Kali Clorua vào chế độ ăn và dịch truyền.
3. Theo dõi tình trạng hô hấp:
- Nhịp thở: mức độ xanh tím,
- Đờm dãi, vỗ rung, thay đổi tư thế, kết hợp hút đờm dãi đúng mức, đúng kĩ thuật tránh biến chứng viêm phổi, suy hô hấp
4. Ngừng ngay tất cả thuốc có khả năng gây dị ứng, lấy nhiều mẫu các thuốc người bệnh đã dùng để gửi xét nghiệm xác định nguyên nhân gây dị ứng.
IV. Đánh giá, ghi hồ sơ và báo cáo
- Ghi lại các tình trạng tổn thương da, niêm mạc, đặc biệt tổn thương mắt, báo cáo bác sĩ biết để xử trí kịp thời
- Ghi rõ cân bằng nước: dịch vào, dịch ra.
- Theo dõi tình trạng dinh dưỡng, chú ý cân người bệnh tuần 2 lần để đánh giá cụ thể
- Xét nghiệm điện giải máu, pH máu
- Theo dõi mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở, độ xanh tím để phát hiện kịp thòi tình trạng suy hô hấp, viêm phổi
- Lập kế hoạch chăm sóc tiếp theo.
V. Hướng dẫn người bệnh và gia đình
- Động viên người bệnh cố gắng ăn uống, bảo đảm dinh dưỡng
- Hướng dẫn người bệnh những điều cần thiết về giữ gìn vệ sinh(mắt, các tổn thương) tránh nhiễm trùng
- Giúp người bệnh yên tâm tin tưởng điều trị: bệnh sẽ khỏi sau 2 tuần
- Hướng dẫn phòng tránh tái phát: phổ biến các loại thuốc có khả năng gây bệnh để người bệnh phòng tránh: Sunfamid (Biseptol, Bactrim…) kháng viêm như phenylbutazon…