Nội dung bài viết
I. ĐẠI CƯƠNG
Rút ống dẫn lưu màng phổi, ống dẫn lưu ổ áp xe là thủ thuật lấy ống dẫn lưu ra khỏi khoang màng phổi hoặc ổ áp xe phổi.
II. CHỈ ĐỊNH
– Tràn khí màng phổi: dẫn lưu không ra khí và X quang phổi sau 24 giờ kẹp dẫn lưu không còn tràn khí màng phổi.
– Tràn mủ màng phổi: dẫn lưu và bơm rửa không ra mủ.
– Tràn dịch màng phổi: lượng dịch dẫn lưu < 50ml/ngày.
– Tắc ống dẫn lưu.
– Dẫn lưu mủ có dò thành ngực.
– Dẫn lưu màng phổi quá 2 tuần.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Không có chống chỉ định.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
– Giải thích cho người bệnh và gia đình mục đích của thủ thuật.
– Bác sĩ, điều dưỡng: thực hiện quy trình vô khuẩn khi làm thủ thuật.
2. Thuốc và dụng cụ
– Atropin 1/4mg: 2 ống, Lidocain 2% 2ml: 2 ống.
– Hộp chống shock.
– Bộ thay băng, cắt chỉ.
– Bơm tiêm 5ml: 2 cái.
– Gạc N2: 1 gói.
– Găng vô trùng: 1 đôi, găng sạch: 2 đôi.
– Săng vô trùng.
3. Người bệnh
Hướng dẫn người bệnh phối hợp hít vào, thở ra và nín thở khi làm thủ thuật.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
– Đặt người bệnh ở tư thế ngồi hoặc nằm đầu cao.
– Sát trùng rộng xung quanh vị trí đặt dẫn lưu.
– Trải săng lỗ.
– Khâu chỉ chờ.
– Cắt chỉ khâu cố định ống dẫn lưu.
– Yêu cầu người bệnh thử hít vào, thở ra hết và nín thở vài lần.
– Phối hợp đồng thời điều dưỡng rút nhanh ống dẫn lưu ra khỏi khoang màng phổi hoặc ổ áp xe, bác sĩ thắt chỉ chờ sau khi người bệnh thở ra hết và nín thở.
– Sát trùng lại và băng ép.
VI. THEO DÕI
Các triệu chứng lâm sàng: mệt, vã mồ hôi, đau ngực…
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
1. Triệu chứng cường phế vị
– Triệu chứng: mệt, choáng, mạch chậm, huyết áp hạ.
– Xử trí: ngừng thủ thuật, cho người bệnh nằm đầu thấp, tiêm bắp 2 ống Atropin 1/4mg, theo dõi monitor mạch, huyết áp, độ bão hòa oxy máu, đặt đường truyền tĩnh mạch ngoại vi khi huyết áp < 90/60mmHg.
2. Tràn khí màng phổi
– Do khí vào khoang màng phổi khi rút ống dẫn lưu.
– Cần chụp lại X quang phổi sau khi rút ống dẫn lưu. Trường hợp tràn khí ít cho thở oxy và theo dõi. Tràn khí nhiều chỉ định chọc hút khí.
VIII. CHI CHÚ
Quy trình chuẩn kẹp và rút dẫn lưu màng phổi.
1. Đối với dẫn lưu dịch màng phổi
Dựa vào kết quả thăm khám lâm sàng và hình ảnh X quang phổi của người bệnh, chỉ định rút ống dẫn lưu khi lượng dịch dẫn lưu < 50ml/24giờ và màu sắc dịch dẫn lưu trong.
2. Đối với dẫn lưu khí màng phổi
Cần kẹp và rút dẫn lưu theo đúng quy trình như sau:
– Sau khi mở màng phổi và nối ống dẫn lưu với hệ thống bình hút, cần theo dõi thời điểm chính xác không còn sủi bọt khí trong bình dẫn lưu.
– Sau 24 giờ tính từ thời điểm không còn sủi bọt khí trong bình: khám lâm sàng và chụp X quang phổi xét kẹp ống dẫn lưu. Sẽ có các tình huống sau:
+ Còn tràn khí màng phổi: kiểm tra lại hệ thống dẫn lưu có bị tắc không; đầu sonde dẫn lưu có đúng vị trí; sonde dẫn lưu quá sâu hoặc bị gấp khúc gây cản trở dẫn lưu khí.
+ Hết tràn khí màng phổi: tiến hành kẹp dẫn lưu khí và ghi bảng theo dõi trong vòng 24 giờ.
– Sau 24 giờ tính từ thời điểm kẹp ống dẫn lưu: khám lâm sàng và chụp lại X quang phổi kiểm tra. Sẽ có các tình huống sau:
+ Nếu không tái phát tràn khí: tiến hành rút ống dẫn lưu màng phổi.
+ Nếu tái phát tràn khí màng phổi: mở kẹp và tiếp tục hút dẫn lưu. Đồng thời phải kiểm tra xem hệ thống dẫn lưu có bị hở không. Xem xét áp dụng phương pháp điều trị khác (gây dính, nội soi lồng ngực…) nếu phương pháp hút dẫn lưu đơn thuần không có kết quả.
Kỹ thuật rút ống
– Khi rút, dẫn lưu phải được hút liên tục cho đến khi rút hoàn toàn ống ra khỏi
khoang màng phổi để loại bỏ nốt phần khí và dịch còn sót lại trong ống cũng như trong
khoang màng phổi.
– Thắt chỉ chờ ngay sau khi ống được rút, sát khuẩn bằng betadin, băng lại cẩn
thận. Hẹn người bệnh sau 1 tuần đến cơ sở y tế gần nhất để cắt chỉ chờ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Y tế “Hướng dẫn quy trình kĩ thuật bệnh viện tập 1”. Nhà Xuất bản Y học (1999).
2. Dennis L. Kasper, Eugene Braunwald, Anthony S. Fauci et al “Harrison’s principle of internal medicine” 18th edition Mc Graw Hill company, 2011.
3. Gerald L. Baum, Jeffrey, Md. Glassroth et al “Baum’s Textbook of Pulmonary Diseases 7th edition”, Lippincott Williams & Wilkins Publishers, 2003.