Quy trình nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng cấp cứu

I. ĐỊNH NGHĨA

Soi thực quản – dạ dày – tá tràng cấp cứu là đưa ống soi dạ dày qua đường miệng vào thực quản rồi xuống dạ dày và tá tràng nhằm mục đích chẩn đoán và điều trị những bệnh lý của thực quản, dạ dày và tá tràng trong tình trạng cấp cứu.

II. CHỈ ĐỊNH

  • Nôn ra máu, đi ngoài phân đen
  • Hóc dị vật
  • Giun chui ống mật

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Tình trạng huyết động không ổn định, huyết áp tâm thu < 80 mmHg mà chưa có sẵn đường truyền máu.
  • Chưa có sẵn đường truyền máu.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện  
  • 01 bác sĩ chuyên khoa nội soi tiêu hóa, 02 điều dưỡng.
2. Phương tiện 
  • Máy nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng ống mềm, loại cửa sổ thẳng và các dụng cụ đi kèm máy nội soi.
  • Nguồn sáng
  • Máy hút
  • Kim tiêm cầm máu qua nội soi, kẹp Clip cầm máu.
  • Snare điện, nguồn đốt.
  • Kìm gắp dị vật hoặc rọ.
  • Súng thắt vòng cao su đối với thắt giãn tĩnh mạch thực quản.
  • Ống ngậm miệng.
  • Nước cất để bơm rửa khi cần thiết trong quá trình nội soi.
  • Chất bôi trơn đầu máy soi: K – Y.
  • Thuốc gây tê vùng họng: Xylocain 2% hoặc Lidocain 10%.
  • Thuốc Adrenalin 1/1000, Natriclorua 0,9% hoặc 5 %.
  • Găng, gạc, bơm tiêm 20 ml.
  • Hệ thống Oxy, máy Monitor theo dõi.
3. Người bệnh 
  • Nhịn ăn tối thiểu 6 giờ trước nội soi. Người bệnh phải được giải thích kỹ về lợi ích và tai biến của thủ thuật và đồng ý soi. Trong trường hợp xuất huyết tiêu hóa người bệnh cần phải đặt trước đường truyền tĩnh mạch.
  • Nếu người bệnh nội trú phải có bệnh án.
  • Người nhà người bệnh viết cam đoan.
4. Kiểm tra hồ sơ bệnh án  
  • Nếu người soi là người bệnh nội trú. Kiểm tra các xét nghiệm về đông, cầm máu. 2. Kiểm tra người bệnh
  • Đúng họ tên, tuổi, giới, địa chỉ.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

  • Người bệnh được mắc Monitor theo dõi nhịp tim, SpO2, đo huyết áp, đặt đường truyền tĩnh mạch nếu đang có xuất huyết tiêu hóa. Người bệnh nằm nghiêng trái, chân phải co, chân trái duỗi.
  • Chuẩn bị và kiểm tra máy soi.
  • Đặt ống ngậm miệng vào giữa hai cung răng và bảo người bệnh ngậm chặt.
  • Đưa máy soi qua miệng, họng vào thực quản, dạ dày, tá tràng bơm hơi và quan sát. Có thể dùng bơm tiêm bơm nước cất vào cho sạch chất bẩn ở những vùng cần quan sát kỹ.
  • Có thể can thiệp điều trị qua nội soi như:
    + Tiêm cầm máu tại ổ loét dạ dày – tá tràng, vết rách tâm vị.
    + Kẹp Clip cầm máu đối với loét dạ dày, tá tràng, chảy máu điểm mạch.
    + Thắt giãn tĩnh mạch thực quản bằng vòng cao su, tiêm xơ tĩnh mạch phình vị.
    + Cắt polyp khi polyp đang chảy máu và các xét nghiệm đông cầm máu trong giới hạn bình thường.
    + Gắp giun đang chui lên đường mật tại papilla.
    + Gắp dị vật như xương (hóc xương ), đồng xu…
  • Rút máy và tẩy uế, khử khuẩn máy soi theo đúng quy định như đối với soi thực quản dạ dàỳ, tá tràng thông thường.

VI. THEO DÕI

  • Tình trạng chung của người bệnh, mạch, huyết áp.
  • Tình trạng chảy máu, thủng.

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

  • Các tai biến và xử trí giống như các tai biến của nội soi dạ dày thông thường.
  • Ngoài ra có các tai biến của cầm máu qua nội soi như chảy máu do cắt polyp; có thể cầm máu lại bằng nguồn đốt hoặc kẹp Clip.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *