Phòng ngừa chuẩn được định nghĩa là tập hợp các biện pháp phòng ngừa áp dụng cho tất cả những người bệnh trong bệnh viện không tùy thuộc vào chẩn đoán và tình trạng nhiễm trùng của người bệnh. Mục tiêu của phòng ngừa chuẩn là nhằm phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm chéo qua máu, dịch tiết cơ thể, chất tiết (trừ mồ hôi) cho dù chúng được nhìn thấy có chứa máu hay không, và da không lành lặn và niêm mạc. Coi tất cả máu, dịch sinh học, các chất tiết, chất bài tiết (trừ mồ hôi) đều có nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm. Đây là biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất, nhằm hạn chế cả sự lây truyền từ người sang người cũng như từ người sang môi trường.
Việc tuân thủ các quy định của Phòng ngừa chuẩn đóng góp quan trọng vào việc làm giảm nhiễm khuẩn liên quan đến cơ sở y tế, phơi nhiễm nghề nghiệp cho nhân viên y tế và tạo ra môi trường chăm sóc y tế an toàn cho cả người bệnh và nhân viên y tế.
Nội dung bài viết
- 1. Vệ sinh tay
- 1.1. Trong chăm sóc người bệnh, tránh sờ vào bề mặt các vật dụng, trang thiết bị khi không cần thiết để phòng lây nhiễm tay từ môi trường hoặc lây nhiễm cho môi trường do tay bẩn
- 1.2. Thực hiện quy trình rửa tay thường quy theo đúng hướng dẫn rửa tay của Bộ Y tế
- 1.3. Năm thời điểm vệ sinh tay khi chăm sóc người bệnh theo khuyến cáo của Tổ chức y tế Thế giới (bảng 1)
- 1.4 Khi chuyển chăm sóc từ nơi nhiễm sang nơi sạch trên cùng người bệnh cũng cần vệ sinh tay
- 1.5 Sau khi tháo găng phải vệ sinh tay
- 1.6 Không được để móng tay dài, mang móng tay giả khi chăm sóc người bệnh
- 1.7 Phương tiện và dụng cụ cần trang bị cho mỗi vị trí rửa tay thường quy
- 1.8. Nơi cần trang bị dung dịch sát khuẩn tay nhanh
- 1.9. Tập huấn, kiểm tra, giám sát sự tuân thủ rửa tay phải được thực hiện định kỳ và có thông tin phản hồi cho NVYT.
- 2. Mang phương tiện phòng hộ
- 3. Thực hiện quy tắc vệ sinh hô hấp:
- 4. Sắp xếp người bệnh thích hợp
- 5. Xử lý dụng cụ y tế để dùng lại cho người bệnh
- 6. Tiêm an toàn và phòng ngừa phơi nhiễm do vật sắc nhọn
- 7. Xử lý đồ vải:
- 8. Vệ sinh môi trường:
- 9. Quản lý chất thải rắn y tế:
1. Vệ sinh tay
Vệ sinh tay là nội dung cơ bản của Phòng ngừa chuẩn và là biện pháp hiệu quả nhất trong nỗ lực kiểm soát sự lây truyền tác nhân gây bệnh trong các cơ sở y tế. Cơ sở y tế phải đảm bảo có nước sạch, có đủ các phương tiện rửa tay và có sẵn các dung dịch sát khuẩn tay nhanh có chứa cồn ở những nơi thăm khám, chăm sóc người bệnh.
1.1. Trong chăm sóc người bệnh, tránh sờ vào bề mặt các vật dụng, trang thiết bị khi không cần thiết để phòng lây nhiễm tay từ môi trường hoặc lây nhiễm cho môi trường do tay bẩn
1.2. Thực hiện quy trình rửa tay thường quy theo đúng hướng dẫn rửa tay của Bộ Y tế
- Thực hiện vệ sinh tay với nước và xà phòng theo đúng quy trình khi tay nhìn thấy vấy bẩn bằng mắt thường hoặc sau khi tiếp xúc với máu và dịch tiết.
- Sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay nhanh có chứa cồn theo đúng quy trình, khi tay không thấy bẩn bằng mắt thường.
1.3. Năm thời điểm vệ sinh tay khi chăm sóc người bệnh theo khuyến cáo của Tổ chức y tế Thế giới (bảng 1)
- Trước khi tiếp xúc với người bệnh
- Trước khi thực hiện các thao tác vô khuẩn
- Sau khi tiếp xúc với người bệnh
- Sau khi tiếp xúc với máu, dịch cơ thể, các chất bài tiết
- Sau khi tiếp xúc với môi trường xung quanh người bệnh
1.4 Khi chuyển chăm sóc từ nơi nhiễm sang nơi sạch trên cùng người bệnh cũng cần vệ sinh tay
1.5 Sau khi tháo găng phải vệ sinh tay
1.6 Không được để móng tay dài, mang móng tay giả khi chăm sóc người bệnh
1.7 Phương tiện và dụng cụ cần trang bị cho mỗi vị trí rửa tay thường quy
- Phương tiện dùng cho rửa tay phải làm bằng vật liệu dễ cọ rửa
- Bồn rửa tay và vòi nước có cần gạt đạt tiêu chuẩn
- Nước sạch (tuỳ theo điều kiện của từng nơi, thông thường dùng nước máy và các đường dẫn nước đặt nằm trong tường, không nên dùng nước nóng).
- Xà phòng (dung dịch, xà phòng bánh nhỏ)
- Giá đựng xà phòng
- Thùng hoặc hộp đựng khăn lau tay có nắp đậy, tốt nhất rút khăn từ bên dưới
- Khăn lau tay một lần
- Thùng (chậu) đựng khăn bẩn
1.8. Nơi cần trang bị dung dịch sát khuẩn tay nhanh
- Đầu giường người bệnh nặng, người bệnh cấp cứu
- Trên các xe tiêm, thay băng
- Bàn khám bệnh
- Tường cạnh cửa ra vào mỗi buồng bệnh
1.9. Tập huấn, kiểm tra, giám sát sự tuân thủ rửa tay phải được thực hiện định kỳ và có thông tin phản hồi cho NVYT.
Sơ đồ 2: Các thời điểm rửa tay khi chăm sóc người bệnh (WHO.2005)
1. Trước khi tiếp xúc với người bệnh | |
2. Trước khi làm thủ thuật vô trùng | |
3. Sau khi tiếp xúc với máu và dịch cơ thể | |
4. Sau khi chăm sóc người bệnh | |
5. Sau khi đụng chạm vào những vùng xung quanh người bệnh |
2. Mang phương tiện phòng hộ
Phương tiện phòng hộ bao gồm: găng tay, khẩu trang, áo choàng, tạp dề, mũ, mắt kính/ mặt nạ và ủng hoặc bao giày. Mục đích sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân là để bảo vệ NVYT, người bệnh, thân nhân và người thăm bệnh khỏi bị nguy cơ lây nhiễm và hạn chế phát tán mầm bệnh ra môi trường bên ngoài. Nguyên tắc sử dụng phương tiện PHCN là phải tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Mang phương tiện phòng hộ khi dự kiến sẽ làm thao tác có bắn máu dịch tiết vào cơ thể.
Trình tự mang trang phục tùy thuộc vào mục đích sử dụng, tuy nhiên khi tháo ra cần chú ý tháo phương tiện bẩn nhất ra trước (găng tay). Trong quá trình mang các phương tiện PHCN không được sờ vào mặt ngoài và phải thay khi rách, ướt. Trước khi rời khỏi phòng bệnh, cần tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân.
2.1. Mang găng
2.1.1. Sử dụng găng trong các trường hợp sau:
- Găng vô trùng được mang trong quá trình làm thủ thuật/phẫu thuật nhằm mục đích ngăn ngừa lây truyền vi sinh vật cho người bệnh
- Mang găng sạch khi chăm sóc, làm các thủ thuật chuyên môn mà dự kiến tay của NVYT có thể tiếp xúc với máu, dịch sinh học, các chất tiết, các màng niêm mạc và da không nguyên vẹn của người bệnh hoặc khi da tay NVYT bị xây xước.
- Mang găng vệ sinh khi làm vệ sinh, thu gom chất thải, thu gom đồ vải, xử lý dụng cụ y tế và các dụng cụ chăm sóc người bệnh
- Không mang một đôi găng để chăm sóc cho nhiều bệnh nhân – Mang găng là biện pháp hỗ trợ, không thay thế được rửa tay.
- Găng dùng một lần không nên đem giặt hay dùng lại vì dịch có thể đi vào qua các lỗ thủng không nhìn thấy trên găng.
- Không cần mang găng trong các chăm sóc thông thường nếu việc tiếp xúc chỉ giới hạn ở vùng da lành lặn, như vận chuyển người bệnh, đo huyết áp, phát thuốc.
- Nên thay găng:
+ Sau mỗi thủ thuật và thao tác trên bênh nhân.
+ Sau khi tiếp xúc với vật dụng chứa mật độ vi sinh vật cao.
+ Khi nghi ngờ găng thủng hay rách.
+ Giữa các hoạt động chăm sóc trên cùng một người bệnh mà có tiếp xúc các chất có thể chứa mật độ vi sinh vật cao (ví dụ sau khi đặt sonde tiểu và trước khi hút đờm qua nội khí quản).
- Tháo găng trước khi tiếp xúc với các bề mặt sạch trong môi trường (ví dụ, đèn, máy đo huyết áp).
- Không sát khuẩn bên ngoài găng để sử dụng tiếp.
- Rửa tay sau khi tháo bất kì loại găng nào (găng dùng một lần, găng phẫu thuật hay găng vệ sinh)
- Trong trường hợp không đủ găng, có thể thay thế găng bằng khăn giấy trong trường hợp nguy cơ tiếp xúc với dịch tiết thấp.
2.1.2. Quy trình mang găng
- Rửa tay
- Chọn găng tay thích hợp với kích cỡ tay
- Mở hộp (bao) đựng găng
- Dùng một tay chưa mang găng để vào mặt trong của nếp gấp găng ở cổ tay để mang cho tay kia
- Dùng 4 ngón tay của tay mang găng đặt vào nếp gấp mặt ngoài cổ găng còn lại để mang găng cho tay kia
- Sửa lại những ngón tay mang găng cho khít và ngay ngắn
- Chú ý: găng tay trùm ra ngoài cổ tay áo choàng khi chăm sóc người bệnh
2.1.3. Quy trình tháo găng:
- Tay đang mang găng nắm vào mặt ngoài của găng ở phần cổ tay của tay kia, kéo găng lật mặt trong ra ngoài
- Tay còn mang găng cầm găng đã tháo ra
- Tay đã tháo găng nắm vào mặt trong của găng ở phần cổ tay găng của tay còn lại, kéo găng lật mặt trong ra ngoài sao cho găng này trùm ngoài găng kia
- Cho găng bẩn vào túi chất thải lây nhiễm – Rửa tay thường quy ngay sau khi tháo găng.
2.2. Mang khẩu trang
- Mang khẩu trang y tế thông thường (gồm có khẩu trang thường: hai lớp; khẩu trang phẫu thuật: 3 lớp). Mang khẩu trang y tế khi dự kiến sẽ bị bắn máu dịch tiết vào mặt mũi trong chăm sóc người bệnh hoặc khi đang chăm sóc người bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp có nguy cơ lây nhiễm tiềm tàng, hoặc khi bản thân đang có bệnh đường hô hấp cần hạn chế lây nhiễm cho người khác.
- Khẩu trang chỉ nên sử dụng một lần, không bỏ túi để dùng lại hay đeo quanh cổ.
- Trong trường hợp khẩu trang có thể sử dụng lại, nên tuân thủ hướng dẫn về sử dụng lại do Bộ Y tế ban hành. Nếu khẩu trang bị ẩm ướt, rách cần thay ngay khẩu trang mới.
- Cách mang khẩu trang y tế thông thường: Đặt khẩu trang theo chiều như sau: Thanh kim loại nằm trên và uốn ôm khít sống mũi, nếp gấp khẩu trang theo chiều xuống, mặt thấm tiếp xúc với người đeo, mặt không thấm nằm bên ngoài. Đeo dây chun vào sau tai, nếu là dây cột thì cột một dây trên tai và một dây ở cổ. Khẩu trang phải che phủ mặt và dưới cằm.
- Cách tháo khẩu trang: Bề mặt trước khẩu trang có thể lây nhiễmkhông nên sờ. Nắm dây trên và dây dưới khẩu trang và nhấc lên, bỏ vào thùng rác
2.3. Sử dụng các phương tiện che mặt và mắt:
Kính bảo hộ, mạng che mặt khi làm các thủ thuật có nguy cơ bắn toé máu và dịch vào mắt như: đỡ đẻ, phá thai, đặt nội khí quản, hút dịch, nhổ răng ..
- Cách mang: Đặt kính hoặc mạng che mặt lên mặt và điều chỉnh sao cho vừa khít
- Cách tháo: Mặt ngoài của kính hoặc mạng bị lây nhiễm. Không nên sờ. Dùng tay nắm vào quai kính hoặc mạng. Bỏ vào thùng rác hoặc vào thùng quy định để xử lý lại
2.4. Mặc áo choàng, tạp dề:
Khi làm các thủ thuật dự đoán có máu và dịch cơ thể của người bệnh có thể bắn lên đồng phục nhân viên y tế, ví dụ:
– Khi cọ rửa dụng cụ y tế nhiễm khuẩn
– Khi thu gom đồ vải dính máu.
- Cách mặc áo choàng: Mặc áo choàng phủ từ cổ đến chân, từ tay đến cổ tay và phủ ra sau lưng. Cột dây ở cổ và eo.
- Cách tháo áo choàng: Mặt trước và tay áo bị nhiễm. Không sờ vào phần này. Mở dây cổ, dây eo, kéo áo choàng từ mỗi vai hướng về phía tay cùng bên, cho mặc ngoài vào trong, đưa áo choàng xa cơ thể, cuộn lại và bỏ vào thùng rác hoặc thùng để xử lý lại.
3. Thực hiện quy tắc vệ sinh hô hấp:
– Cơ sở y tế cần xây dựng kế hoạch quản lý tất cả các người bệnh có các triệu chứng về đường hô hấp trong giai đoạn có dịch.
– Tại khu vực tiếp nhận bệnh cần có hướng dẫn để đưa người bệnh có các triệu chứng về đường hô hấp vào khu vực riêng
– Mọi người bệnh có các triệu chứng về đường hô hấp đều phải tuân thủ theo các quy tắc về vệ sinh hô hấp.
- Che miệng mũi bằng khăn giấy và bỏ khăn giấy trong thùng rác hoặc dùng ống tay áo để che nếu không có khăn giấy, không dùng bàn tay
- Mang khẩu trang y tế
- Rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với chất tiết
- Đứng hay ngồi cách xa người khác khoảng 1 mét
4. Sắp xếp người bệnh thích hợp
– Nên sắp xếp người bệnh không có khả năng kiểm soát dịch tiết, chất bài tiết, dịch dẫn lưu vào phòng riêng (đặc biệt trẻ em có bệnh đường hô hấp, tiêu hóa)
– Sắp xếp người bệnh dựa vào các nguyên tắc:
- Đường lây truyền của tác nhân gây bệnh
- Yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh
- Khả năng mắc nhiễm khuẩn bệnh viện
5. Xử lý dụng cụ y tế để dùng lại cho người bệnh
- Dụng cụ y tế tái sử dụng đều phải được xử lý trước khi sử dụng cho người bệnh khác
- Dụng cụ sau khi sử dụng có dính máu và dịch tiết phải được khử nhiễm ngay hoặc bỏ vào thùng kín khi vận chuyển về nơi khử khuẩn
- Xử lý dụng cụ theo đúng quy trình (khử nhiễm, làm sạch, khử khuẩn, tiệt khuẩn và bảo quản đúng cách)
- Cần làm sạch mọi chất hữu cơ trên dụng cụ trước quy trình khử, tiệt khuẩn
- Dụng cụ tiếp xúc với da lành lặn (còn gọi là dụng cụ không thiết yếu – noncritical) cần khử khuẩn mức độ thấp hoặc trung bình
- Dụng cụ tiếp xúc với niêm mạc (còn gọi là dụng cụ bán thiết yếu – semicrirtical) cần phải khử khuẩn mức độ cao
- Dụng cụ tiếp xúc với mô vô trùng, mạch máu (còn gọi là dụng cụ thiết yếu -critical) cần phải được tiệt khuẩn, không ngâm khử khuẩn
- Dụng cụ tiệt khuẩn cần được giám sát chất lượng tiệt khuẩn thường quy, bao gồm các test thử sinh học, hóa học và giám sát các thông số hoạt động của máy tiệt khuẩn như nhiệt độ, áp suất và thời gian tiệt khuẩn
- Dụng cụ tiệt khuẩn phải được bảo quản trong môi trường đảm bảo vô khuẩn cho đến khi sử dụng cho người bệnh. Dán nhãn các gói dụng cụ đã tiệt khuẩn bao gồm số lô, ngày giờ tiệt khuẩn, hạn sử dụng, người đóng gói.
- Dụng cụ phải được đóng gói nguyên vẹn khi sử dụng. Tất cả dụng cụ tiệt khuẩn đựng trong các bao đóng gói đã bị hư hại, ẩm ướt, hoặc đã mở ra cần tiệt khuẩn lại.
- Nhân viên khi tiếp xúc dụng cụ nhiễm khuẩn cần mang phương tiện phòng hộ cá nhân thích hợp.
6. Tiêm an toàn và phòng ngừa phơi nhiễm do vật sắc nhọn
– Đào tạo cập nhật các kiến thức, thực hành về tiêm an toàn cho NVYT
– Cần cung cấp đầy đủ các phương tiện tiêm thích hợp (xe tiêm, bơm kim tiêm, kim lấy thuốc, cồn sát khuẩn tay, hộp đựng vật sắc nhọn…).
– Thực hành tiêm an toàn
- Thực hiện đúng các quy trình tiêm theo hướng dẫn
- Thực hiện các thao tác an toàn sau khi tiêm: không bẻ cong kim, không dùng hai tay đậy lại nắp kim tiêm, không tháo kim tiêm bằng tay, không cầm bơm kim tiêm nhiễm khuẩn đi lại ở nơi làm việc…
- Nếu cần phải đậy nắp kim (không có thùng đựng vật sắc nhọn tại thời điểm bỏ kim), dùng kỹ thuật xúc một tay để phòng ngừa tổn thương (Trước tiên để nắp kim lên trên một mặt phẳng sau đó dùng một tay đưa đầu kim vào miệng nắp kim và từ từ luồn sâu kim vào nắp. Dùng tay kia siết chặt nắp kim).
- Có thể sử dụng các dụng cụ tiêm có đặc tính bảo vệ trong trường hợp nguy cơ bị kim đâm cao (ví dụ người bệnh kích thích, giãy dụa..)
- Giảm số lượng mũi tiêm không cần thiết. Sử dụng thuốc bằng đường uống khi có thể, lấy bệnh phẩm tập trung để tránh lấy máu nhiều lần.
– Thực hành thủ thuật/phẫu thuật an toàn
- Khi thực hiện các thủ thuật phải luôn luôn chú ý vào trường thủ thuật và các dụng cụ sắc nhọn
- Nên mang hai găng trong phẫu thuật. Có thể áp dụng một số kỹ thuật thực hành an toàn như dùng kỹ thuật mổ ít xâm lấn nhất và dùng phương pháp đốt điện để rạch da thay cho dùng dao mổ, dùng kẹp để đóng vết mổ thay vì khâu da như kinh điển.
– Quản lý vật sắc nhọn
- Tránh chuyền tay các vật sắc nhọn và nhắc đồng nghiệp thận trọng mỗi khi chuyển vật sắc nhọn, đặt vật sắc nhọn vào khay để đưa cho đồng nghiệp
- Xắp xếp nơi làm việc sao cho tất cả các dụng cụ đều trong tầm với của cả hai tay và phải có thùng thu gom vật sắc nhọn được để sát bên để giúp loại bỏ các vật sắc nhọn nhanh và an toàn
– Quản lý chất thải sắc nhọn
- Thùng thu gom vật sắc nhọn phải không bị xuyên thủng, đủ lớn để chứa các vật sắc nhọn, có nắp và bố trí ở nơi thích hợp để tiện lợi khi loại bỏ vật sắc nhọn
- Không được để kim tiêm vương vãi ở ngoài môi trường. Nhân viên y tế khi thấy các kim tiêm trên sàn nhà hoặc trên mặt đất trong bệnh viện cần phải dùng kẹp gắp và bỏ vào thùng thu gom chất thải sắc nhọn.
- Khi thu gom và xử lý các thùng thu gom vật sắc nhọn, cần quan sát kỹ xem có quá đầy và có các vật sắc nhọn chĩa ra ngoài hay không. Tránh để tay quá gần chỗ mở của các thùng chứa các vật sắc nhọn, không nên thu gom các thùng đựng vật sắc nhọn bằng tay không có găng bảo hộ
– Tuân thủ quy trình báo cáo, theo dõi và điều trị sau phơi nhiễm
7. Xử lý đồ vải:
- Xử lý đồ vải theo nguyên tắc giảm tối thiểu giũ đồ vải để tránh lây nhiễm vi sinh vật từ đồ vải sang môi trường không khí, bề mặt và con người
- Đồ vải phải được thu gom và chuyển xuống nhà giặt trong ngày
- Đồ vải của người bệnh được thu gom thành hai loại và cho vào túi riêng biệt: đồ vải bẩn và đồ vải lây nhiễm (đồ vải dính máu, dịch, chất thải cơ thể). Đồ vải lây nhiễm phải bỏ vào túi không thấm nước màu vàng. Buộc chặt miệng túi khi đồ vải đầy 3/4 túi.
- Không đánh dấu đồ vải của người bệnh HIV/AIDS để phân loại và giặt riêng.
- Không giũ tung đồ vải khi thay đồ vải hoặc khi đếm giao nhận đồ vải tại nhà giặt.
- Không để đồ vải bẩn xuống sàn nhà hoặc để sang giường bên cạnh.
- Không để đồ vải sạch lẫn với đồ vải bẩn trên cùng một xe khi vận chuyển.
- Xe đựng đồ vải phải kín, bao phủ đồ vải phải giặt sạch sau mỗi lần chứa đồ vải bẩn
- Người thu gom đồ vải phải mang găng vệ sinh, tạp dề, khẩu trang – Đồ vải phải được giặt theo các chương trình khác nhau tùy theo mức độ lây nhiễm, chất liệu.
- Đồ vải sạch cần được bảo quản trong kho có đầy đủ giá, kệ hoặc trong tủ sạch.
8. Vệ sinh môi trường:
- Làm vệ sinh môi trường khoa phòng sớm trước giờ khám chữa bệnh 30 phút. Không làm vệ sinh trong buồng bệnh khi bác sĩ, điều dưỡng đang làm chuyên môn.
- Hàng ngày làm sạch và khử khuẩn các bề mặt dễ bị nhiễm vi sinh vật như các vật dụng xung quanh người bệnh như thanh giường, tủ đầu giường, và các vật dụng thường xuyên sờ vào như tay nấm cửa, vật dụng trong nhà vệ sinh
- Điều dưỡng trưởng khoa kiểm tra hóa chất và nồng độ hóa chất sử dụng trong vệ sinh làm sạch
- Ở nơi có chăm sóc trẻ em, cần chú ý làm sạch và khử khuẩn đồ chơi của trẻ em
- Tuân theo đúng nguyên tắc làm vệ sinh từ vùng có nguy cơ thấp đến vùng có nguy cơ cao, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài.
- Thu gom rác trước khi lau bề mặt
- Làm sạch hàng ngày các bề mặt như sàn nhà, bàn ghế, lavabo rửa tay v,v. Khi bề mặt có máu hoặc dịch cơ thể phải được xử lý ngay theo quy định.
- Áp dụng phương pháp lau ẩm, không được quét khô trong các khu vực chuyên môn (trừ khu ngoại cảnh).
- Thường xuyên thay khăn lau, dung dịch khử khuẩn làm sạch và giặt, làm khô khăn lau sau khi sử dụng.
- Người làm vệ sinh phải mang phương tiện phòng hộ thích hợp.
9. Quản lý chất thải rắn y tế:
- Cơ sở y tế cần phải xây dựng quy trình thu gom và quản lý chất thải theo Quy chế Quản lý chất thải rắn QĐ 43/2008/QĐ-BYT phù hợp với tình hình thực tế của bệnh viện để mọi NVYT có thể áp dụng trong thực hành.
- Chất thải y tế phải được thu gom, xử lý và tiêu hủy an toàn, đặc biệt quan tâm xử lý an toàn chất thải sắc nhọn.
- Phải phân loại chất thải ngay tại nguồn phát sinh chất thải: Chất thải rắn y tế phải phân loại riêng theo từng nhóm và từng loại đúng quy định. Mỗi nhóm/loại chất thải rắn phải được đựng trong các túi và thùng có mã mầu và biểu tượng theo quy định, không đựng quá 3/4 túi, thùng.
- Đặt thùng, hộp đựng chất thải phải gần nơi chất thải phát sinh. Thùng đựng vật sắc nhọn phải để ở xe tiêm, nơi làm thủ thuật.
- Vận chuyển rác thải từ các khoa phòng về nơi lưu giữ chất thải của cơ sở y tế ít nhất một lần/ngày và khi cần. Thời gian lưu giữ chất thải trong các cơ sở y tế không quá 48 giờ. Lưu giữ chất thải trong nhà bảo quản lạnh hoặc thùng lạnh có thể đến 72 giờ.
- Cơ sở y tế phải quy định đường vận chuyển và giờ vận chuyển chất thải. Tránh vận chuyển chất thải qua các khu vực chăm sóc người bệnh và các khu vực sạch khác. Vận chuyển rác bằng xe chuyên dụng; không được làm rơi, vãi chất thải, nước thải và phát tán mùi hôi trong quá trình vận chuyển.
- Có nơi lưu giữ riêng chất thải y tế nguy hại và chất thải thông thường. Nơi lưu giữ chất thải cách xa nhà ăn, buồng bệnh, lối đi công cộng và khu vực tập trung đông người tối thiểu 100 mét. Nhà lưu giữ chất thải phải có mái che, có hàng rào bảo vệ, có cửa và có khoá, tốt hơn có bảo quản lạnh. Diện tích phù hợp với lượng chất thải phát sinh của cơ sở y tế. Có phương tiện rửa tay, phương tiện bảo hộ cho nhân viên, có dụng cụ, hoá chất làm vệ sinh. Có hệ thống cống thoát nước, tường và nền chống thấm, thông khí tốt.