Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Vũ Tấn Phúc – Bác sĩ Nội tiêu hóa – Khoa Khám bệnh & nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ đã có gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tiêu hóa với thế mạnh trong Nội soi tiêu hóa chẩn đoán và điều trị.
Viêm gan siêu vi B là bệnh lý truyền nhiễm do virus HBV gây ra. Nếu không được chẩn đoán và điều trị, bệnh có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến chức năng gan, đặc biệt là xơ gan và ung thư gan. Vì vậy các xét nghiệm máu chẩn đoán viêm gan B đóng vai trò quan trong việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời căn bệnh này.
Nội dung bài viết
1. Viêm gan B là gì?
Viêm gan siêu vi B là bệnh lý truyền nhiễm liên quan đến gan thường gặp nhất trên thế giới. Tác nhân gây bệnh là virus viêm gan B (HBV), chúng tấn công và làm tổn thương tế bào gan một cách thầm lặng.
Virus này lây truyền theo 3 con đường là: lây qua máu, lây qua quan hệ tình dục không an toàn, lây từ người mẹ bị nhiễm bệnh sang con trong quá trình thai kỳ hoặc khi chuyển dạ sinh nở.
Hiện nay, viêm gan B đã có vắc-xin để phòng ngừa và các phương pháp điều trị cho người nhiễm bệnh cũng đang tiến hành và mang lại kết quả tích cực.
2. Xét nghiệm máu chẩn đoán viêm gan B
Các marker xét nghiệm viêm gan B hiện nay bao gồm: HBsAg, Anti-HBs (HBsAb), HBeAg, Anti-HBe (HBeAb), Anti-HBc, Anti-HBc IgM.
2.1. Xét nghiệm HBsAg
Để chẩn đoán viêm gan B thì HBsAg (là kháng nguyên bề mặt của virus HBV) là xét nghiệm mang tính quyết định. Để kết luận chắc chắn bệnh nhân có nhiễm virus viêm gan B hay không thì bước đầu tiên bắt buộc phải làm xét nghiệm HBsAg. Xét nghiệm viêm gan B với kháng nguyên bề mặt của virus (HBsAg) có 2 dạng là: test nhanh (định tính) và định lượng.
- Xét nghiệm định tính cho biết bệnh nhân có mắc siêu vi B hay không, giúp chẩn đoán bệnh.
- Xét nghiệm định lượng cho biết nồng độ kháng nguyên nhiều hay ít, mang ý nghĩa trong việc theo dõi điều trị hơn là chẩn đoán bệnh.
Nếu kết quả dương tính hoặc có phản ứng nghĩa là bệnh nhân bị viêm gan B, dù ở thể cấp tính hay mạn tính. Ngược lại, nếu HBsAg âm tính bệnh nhân không bị nhiễm siêu vi B.
2.2. Xét nghiệm Anti-HBs
Xét nghiệm viêm gan B Anti-HBs (hay còn gọi là HBsAb) là xét nghiệm tìm kháng thể kháng lại kháng nguyên bề mặt HBsAg. Nếu bệnh nhân từng mắc viêm gan B và đã khỏi bệnh hoặc bệnh nhân đã tiêm vắc-xin viêm gan B thì kết quả HBsAb sẽ dương tính, đồng nghĩa bệnh nhân đã có miễn dịch với virus này. Kết quả nồng độ Anti-HBs > 10 mUI/ml được xem là có tác dụng bảo vệ.
2.3. Xét nghiệm HBeAg
Xét nghiệm viêm gan B HBeAg thực chất là một một đoạn kháng nguyên trên lớp vỏ capsid của virus. HBeAg dương tính chứng tỏ virus đang nhân lên và có khả năng lây lan mạnh. Xét nghiệm này là bằng chứng chứng tỏ virus viêm gan B đang hoạt động. Kết quả xét nghiệm HBeAg âm tính nghĩa là có 2 khả năng xảy ra: virus không hoạt động hoặc virus ở thể đột biến.
2.4. Xét nghiệm Anti-HBe
Anti-HBe là kháng thể kháng HBeAg. Nếu xét nghiệm Anti-HBe dương tính chứng tỏ bệnh nhân có miễn dịch một phần. Kết quả xét nghiệm Anti-HBe âm tính chứng tỏ cơ thể bệnh nhân chưa có miễn dịch với virus viêm gan B.
2.5. Xét nghiệm Anti-HBc
HBcAg là kháng nguyên lõi và Anti-HBc (HBcAb) là kháng thể kháng lại kháng nguyên này. Thông thường, loại kháng thể này sẽ xuất hiện từ rất sớm và tồn tại mãi mãi trong cơ thể bệnh nhân. Do đó, loại xét nghiệm viêm gan B này có vai trò giúp đánh giá bệnh nhân đã từng phơi nhiễm với virus viêm gan B hay chưa.
2.6. Xét nghiệm Anti-HBc IgM
Anti-HBc IgM là kháng thể HBcAb loại IgM. IgM là loại kháng thể chỉ xuất hiện trong đợt bệnh cấp, do đó Anti-HBc IgM giúp chẩn đoán viêm gan B ở giai đoạn viêm cấp hoặc đợt cấp của viêm gan mạn tính.
3. Trình tự xét nghiệm máu chẩn đoán viêm gan B
Đầu tiên luôn luôn làm xét nghiệm tìm kháng nguyên bề mặt (HBsAg). Nếu HBsAg âm tính thì có thể khẳng định bệnh nhân không bị viêm gan B.
Ngoài ra, nếu bác sĩ muốn xác định rằng bệnh nhân đã từng phơi nhiễm virus viêm gan B hay chưa thì chỉ định thêm xét nghiệm Anti-HBc (HBcAb).
Trường hợp bác sĩ cần biết bệnh nhân đã có miễn dịch hay chưa hoặc có cần tiêm vắc-xin viêm gan B hay không thì làm xét nghiệm Anti-HBs. Kết quả Anti-HBs dương tính thì bệnh nhân đã có miễn dịch với viêm gan B, không cần tiêm vắc-xin. Ngược lại, Anti-HBs âm tính chứng tỏ bệnh nhân chưa có miễn dịch với viêm gan B, cần tiêm vắc-xin để phòng bệnh.
Nếu HBsAg dương tính thì bác sĩ cần xác định chính xác bằng một loạt các xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B khác. Bên cạnh đó cần chỉ định thêm các xét nghiệm sinh hóa máu, huyết học, mục đích là đánh giá chức năng gan. Các marker viêm gan B cần làm đầy đủ bao gồm:
- Định lượng HBsAg
- Anti-HBs (HBsAb)
- HBeAg
- Anti-HBe (HBeAb)
- Anti-HBc
- Anti-HBc IgM.
Cặp xét nghiệm HBeAg và Anti-HBe nên làm đầy đủ để phân tích 4 khả năng như sau:
- HBeAg (+) và Anti-HBe (-): Virus đang nhân lên và tình trạng viêm gan tiến triển, khả năng lây lan mạnh.
- HBeAg (-) và Anti-HBe (+): Virus không hoạt động, bệnh nhân đã có miễn dịch một phần, khả năng lây lan giảm. Bên cạnh đó, đây cũng có thể là thể đột biến của virus viêm gan B.
- HBeAg (+) và Anti-HBe (+): Kháng nguyên và kháng thể cân bằng hoặc do phức hợp miễn dịch, cần theo dõi thêm.
- HBeAg (-) và Anti-HBe (-): Đây có thể là giai đoạn cửa sổ của quá trình chuyển đảo huyết thanh.
Cuối cùng là cặp xét nghiệm Anti-HBc và Anti-HBc IgM để xác định bệnh nhân viêm gan cấp hay mạn tính.
Viêm gan B là căn bệnh có diễn biến khó lường và những biến chứng nguy hiểm nếu không kiểm soát tốt virus. Tùy thuộc vào tình trạng của bạn mà bác sĩ sẽ chỉ định những xét nghiệm đánh giá cần thiết để quyết định tiến hành điều trị và theo dõi quá trình điều trị viêm gan B. Chính vì vậy, khi phát hiện nhiễm virus viêm gan B, bạn cần tới các cơ sở y tế chuyên khoa về gan mật hoặc bệnh viện lớn để được thăm khám và nhận định tình trạng bệnh cụ thể.
Hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có các gói Sàng lọc Gan mật, giúp phát hiện Virus viêm gan ở giai đoạn sớm ngay cả khi chưa có triệu chứng. Ngoài ra, Gói sàng lọc gan mật toàn diện giúp khách hàng:
- Đánh giá khả năng làm việc của gan thông qua các xét nghiệm men gan;
- Đánh giá chức năng mật; dinh dưỡng lòng mạch;
- Tầm soát sớm ung thư gan;
- Thực hiện các xét nghiệm như Tổng phân tích tế bào máu, khả năng đông máu, sàng lọc viêm gan B,C
- Đánh giá trạng thái gan mật qua hình ảnh siêu âm và các bệnh có nguy cơ ảnh hưởng gây ra bệnh gan/làm bệnh gan nặng hơn
- Phân tích sâu các thông số đánh giá chức năng gan mật thông qua xét nghiệm, cận lâm sàng; các nguy cơ ảnh hưởng đến gan và tầm soát sớm ung thư gan mật.
Nguồn: vinmec.com