Chăm sóc người bệnh co giật

I. Mục đích

  • Bảo đảm cho người bệnh được thông khí tốt chống thiếu oxy gây tổn thương não.
  • Tránh nôn sặc dịch vị thức ăn, tránh cắn phải lưỡi.
  • Cung cấp đủ cho người bệnh về calo và dịch chống sự suy kiệt.
  • Phòng ngừa sự co giật trở lại gây nguy hiểm đột ngột cho người bệnh.
  • Giúp người bệnh và gia đình hiểu biết về nguyên nhân co giật và cách phòng tránh.

II. Chuẩn bị

1. Người bệnh:

  • Giải thích cho người bệnh hoặc người nhà người bệnh biết việc mình sắp làm để họ yên tâm.
  • Nếu người bệnh nặng cần có người phụ giúp.

2. Người thực hiện:

  • Y tá điều dưỡng phải đầy đủ trang phục y tế.
  • Rửa tay trước khi chuẩn bị dụng cụ.
  • Phải đảm bảo tuyệt đối vô khuẩn trong khi thực hiện chăm sóc người bệnh.

3. Nơi thực hiện:

Tại giường bệnh.

4. Dụng cụ:

  • Bóng Ambu.
  • Canun đè lưỡi tránh cho người bệnh cắn vào lưỡi.
  • Ống nội khí quản, canun mở khí quản, máy hút.
  • Ống thông hút đờm ở hầu họng.
  • Theo dõi nhiệt độ, điện não tại giường.

III. Các bước tiến hành

1. Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn:

a. Tình trạng lỉệt-thần kinh:

  • Quan sát đánh giá người bệnh trước, trong và sau cơn co giật:
    + Tinh trạng ý thức (dựa vào bảng điểm glasgow).
    + Có kèm theo liệt hay không ?
  • Khi có cơn giật cần cho người bệnh nằm ngửa hay nghiêng đầu ngửa ra sau, để dễ thở. Chỉ nên đặt canun Mayo khi đã hết cơn giật.

b. Hô hấp:

  • Tinh trạng hô hấp: ngừng thở ? tím tái ? khó thở thanh khí quản có tiếng rít. Khi có tím và khó thở cần:
    + Cho ngưòi bệnh thở oxy liên tục 5-10 lít /phút.
    + Hút khai thông đường hô hấp do ứ đọng chất tiết ở đường hô hấp trên.

c. Nhanh chóng cắt con co giật:

  • Thuốc chống co giật: seduxen, tiêm tĩnh mạch hay truyền.
  • Thuốc hạ thân nhiệt: aspirin hoặc truyền hay tiêm tĩnh mạch, khi nhiệt độ > 39°c
  • Thuốc chống phù não: manitol 2% truyền nhanh 100ml/30’ nếu có phù não; methyl, prednisolon 120-180mg tiêm tĩnh mạch nếu có phù não do u não. Sau khi đã cắt cơn giật cần dùng liều duy trì theo y lệnh của bác sĩ nhằm ngăn chặn cơn tái phát.

d. Tim mạch:

Huyết áp: đo chỉ số huyết áp.

Nhịp tim: tần số, có rối loạn nhịp tim kèm theo cơn giật.

e. Chức năng tiêu hoá và bài tiết:

Bài tiết nước tiểu: cần theo dõi lượng nước tiểu 24 giờ bằng đặt túi hay ống thông bàng quang nhằm đánh giá chức năng thận.

2. Phòng ngừa các biến chứng:

  • Thiếu oxy cấp tính trong cơn giật: cần cho thở trong và sau cơn giật để đảm bảo Sa02 > 90%.
  • Tránh cắn phải lưỡi trong cơn giật nên cần có canun Mayo bên cạnh người bệnh hay cố định tốt tránh tuột.
  • Cung cấp đủ 2-3 lít nước chống suy thận chức năng.
  • Theo dõi sát lượng nước tiểu giờ và ngày nếu thiểu niệu hay vô niệu cần báo cho bác sĩ ngay.
  • Một số co giật do kích thích bằng yếu tố vật lí hay cơ học cần tránh, cho người bệnh nằm ở phòng yên tĩnh sạch sẽ.
  • Khi có cơn giật tránh để người bệnh hít phải dịch nôn cần đặt người bệnh ở tư thế nằm nghiêng an toàn. Nếu cần thiết có thể tách riêng đường hô hấp và ăn uống bằng cách đặt ống nội khí quản và ống thông dạ dày. Khi bị hít phải dịch nôn cần điều trị chống suy hô hấp và soi rửa hút dịch phế quản.

3. Nuôi dưỡng:

  • Nước: nước uống, truyền dịch đủ đảm bảo nước tiểu 24 giờ > 1500ml.
  • Calo: đối với người bệnh co giật cần đủ calo tránh suy kiệt. Nhu cầu cần 50calo/kg/24 giờ.
  • Khi cho ăn đảm bảo tốt nhất là truyền hay bơm cho ăn liên tục nhằm chống trong cơn giật người bệnh nôn và hít phải dịch, thức ăn vào phổi.

4. Giáo dục sức khoẻ, hướng dẫn người bệnh có sự hiểu biết nguyên nhân gây co giật

  • Người bệnh co giật có nhiều nguyên nhân: sốt cao, phù não, động kinh, ngộ độc….
  • Tuỳ theo nguyên nhân mà có cách phòng chống cho người bệnh.
    + Ví dụ: trẻ sốt cao co giật thì cần theo dõi nhiệt độ tránh sốt cao, khi có sốt cần dùng thêm thuốc chống co giật.
  • Nếu nguyên nhân do động kinh cần dùng thuốc điều trị liên tục không dừng đột ngột. Tránh những công việc nguy hiểm như: điều khiển ôtô, mô tô, công nhân xây dựng phải leo cao, làm việc nơi sông nước.
  • Bảo đảm đủ dịch vào: nước uống, dịch truyền và theo dõi lượng nước ra: nước tiểu, mồ hôi, sốt cao.

IV. Đánh giá, ghi hồ sơ và báo cáo

  • Các dấu hiệu sinh tồn: mạch, huyết áp, nhiệt độ…. trước trong và sau cơn giật.
  • Tình trạng hô hấp trước, trong và sau cơn giật: tần số thở, nhịp thở, kiểu thở, xanh tím, Sp02, vã mồ hôi.
  • Lượng nước vào và ra của người bệnh: nước tiểu giờ và 24 giờ, các xét nghiệm chức năng thận.
  • Báo lại cho bác sĩ khi có các dấu hiệu bất thường hay sự không đáp ứng với điều trị bằng thuốc chống cơn co giật.
  • Lập kế hoạch chăm sóc tiếp theo.

V. Hướng dẫn người bệnh và gia đình

  • Cần giải thích cho người bệnh hiểu biết về nguyên nhân gây co giật để họ yên tâm điều trị.
  • Hướng dẫn người bệnh và gia đình thực hiện theo đơn và cách thức theo dõi phát hiện hiệu quả việc điều trị như: không bỏ thuốc đột ngột, biết cách sử dụng thuốc hay cách sơ cứu ban đầu khi người bệnh bị co giật.
  • Giải thích cho người bệnh và gia đình cần tìm công việc thích hợp để tránh nguy cơ xảy ra cơn co giật đột ngột

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *