Nội dung bài viết
I. Mục đích
- Làm thuyên giảm các triệu chứng dị ứng thuốc
- Đề phòng và phát hiện các biến chứng có thể xảy ra để kịp thời xử trí.
II. Chuẩn bị
1. Người bệnh:
- Giải thích cho người bệnh hoặc người nhà người bệnh biết việc mình sắp làm để họ yên tâm.
- Nếu người bệnh nặng cần có người phụ giúp.
2. Người thực hiện:
- Y tá điều dưỡng phải đầy đủ trang phục y tế.
- Rửa tay trước khi chuẩn bị dụng cụ.
- Phải đảm bảo tuyệt đối vô khuẩn trong khi thực hiện chăm sóc người bệnh bị dị ứng.
3. Nơi thực hiện:
Tại giường bệnh.
4. Dụng cụ:
Tuỳ theo nhận định người bệnh mà chuẩn bị dụng cụ cho phù hợp.
- Xe thay băng.
- 1 bộ dụng cụ thay băng vô trùng gồm có:
+ 2 kẹp phẫu tích.
+ 2 kéo (1 cong, 1 thẳng)
+ 1 pince có mấu.
+ Bát kền
+ Gạc miếng, gạc củ ấu, bông tròn - Găng tay vô khuẩn, găng tay sạch.
- Dụng cụ khác gồm:
+ Ống nghe, nhiệt kế, huyết áp kế.
+ Khay quả đậu.
+ Khay chữ nhật.
+ 1 kéo, 1 kẹp phẫu tích, băng dính.
+ Cồn 70°, bột talc, ete.
+ Thuốc và dung dịch sát khuẩn: Betadin, nước muối 9‰, thuốc theo chỉ định của bác sĩ, dung dịch castellani.
+ Chậu nước ấm, 1 khăn mặt bông to, 1 khăn mặt bông nhỏ, 1 tấm vài lót, 1 tấm nilon.
+ Ga, quần, áo sạch.
+ Túi đựng đồ bẩn.
+ Lò sưởi.
+ Đệm chống loét (đệm nước, đệm mút mềm)
III. Các bước tiến hành
Theo dõi tình trạng toàn thân và các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh:
- Quan sát người bệnh: sắc mặt, da tổn thương, mức độ ? Tình trạng tiêu hoá
- Đo mạch, nhiệt độ, nhịp thở, huyết áp, nước tiểu 24 giờ (màu sắc, số lượng)
- Tình trạng tinh thần của người bệnh?
* Chăm sóc cơ bản và đặc biệt:
- Tuỳ mức độ nặng của bệnh bao giờ cũng phải chú ý giữ vệ sinh môi trường xung quanh: thay ga hàng ngày, không cho người nhà vào thăm nhiều.
- Chăm sóc: các vết loét, các tổn thương của da, các hốc tự nhiên.
- Tinh thần: ân cần, thông cảm, quan tâm để người bệnh yên tâm tin tưởng điều trị. Giúp hoặc làm vệ sinh thân thể, răng miệng, mắt mũi, bộ phận sinh dục, phòng dính, nhiễm khuẩn.
- Chăm sóc các kĩ thuật được áp dụng trên người bệnh nếu có: như chườm lạnh, đặt
- thông dạ dày, đặt ống thông bàng quang v.v…….
- Nuôi dưỡng:
+ Uống: nếu người bệnh uống được phải cho uống nhiều nước, uống nước cam, nước chanh đường.
+ Ăn: tránh các thức ăn có nhiều nguy cơ dị ứng hoặc nghi ngờ gây dị ứng. Ăn nhiều hoa quả, hạn chế muối, nên ăn lỏng, ăn nhẹ.
+ Nếu người bệnh không tự ăn được phải nuôi dưỡng người bệnh bằng đường tĩnh mạch, qua thông dạ dày (đảm bảo đủ dinh dưỡng).
- Phát hiện sớm các dấu hiệu lâm sàng bất thường của dị ứng thuốc như: phù Quincke, sốc phản vệ, hội chứng Stevens – Johnson, hội chứng Lyell… và báo cáo ngay cho bác sĩ để xử lí kịp thời các biến chứng xảy ra.
IV. Đánh giá, ghi hồ sơ và báo cáo
- Báo cáo những biến cố đã xảy ra khi chăm sóc.
- Lập kế hoạch chăm sóc tiếp theo.
V. Hướng dẫn người bệnh và gia đình
- Hướng dẫn người bệnh và người nhà người bệnh biết cách phòng tai biến dị ứng do thuốc.
- Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, đúng liều và cách phát hiện sớm các dấu hiệu dị ứng.
- Tránh ăn, uống những thức ăn, thuốc đã gây dị ứng.
- Hướng dẫn người bệnh và người nhà cho người bệnh ăn, uống theo đúng chỉ định của bác sĩ và y tá điều dưỡng.
- Hướng dẫn người bệnh giữ thân thể luôn luôn khô ráo và sạch sẽ.