Chăm sóc người bệnh tiểu đường

I. Mục đích

  • Giúp cho người bệnh trong xã hội có một cuộc sống càng bình thường càng tốt.
  • Đạt được và duy trì cân bằng chuyển hoá và làm nhẹ hoặc chậm tiến triển các biến chứng của bệnh.

II. Chuẩn bị

1. Người bệnh:

  • Người bệnh được giải thích về việc chăm sóc.
  • Nhận định người bệnh trước khi làm.
  • Đặt người bệnh ở tư thế phù hợp cho công việc chăm sóc.

2. Người thực hiện:

  • Y tá – điều dưỡng (có người phụ giúp nếu người bệnh hôn mê).
  • Trang phục y tế đầy đủ.
  • Rửa tay trước khi chuẩn bị dụng cụ.

3. Nơi thực hiện:

Tại giường bệnh.

4. Dụng cụ:

Nhận định người bệnh trước khi chuẩn bị dụng cụ:

  • Xe thay băng (đầy đủ dụng cụ).
  • Xe tiêm (đầy đủ dụng cụ). Cần có các bơm tiêm và kim tiêm dùng riêng để tiêm insulin.
  • Nhiệt kế, huyết áp, ống nghe.
  • Máy đo đường máu mao mạch.
  • Ga, quần áo, chăn màn sạch….
  • Túi đựng đồ bẩn.

III. Các bước tiến hành

  • Tiêm insulin và cho uống thuốc hạ đường máu theo đúng chỉ định của bác sĩ: liều lượng, giờ giấc, đường tiêm.
  • Nhanh chóng nhận biết các triệu chứng của hạ đường máu hoặc tăng đường máu. Có biện pháp, hành động thích hợp để cân bằng đường máu hoặc tìm sự cấp cứu hỗ trợ thích hợp. Chẩn đoán của các biến chứmg bệnh đái tháo đường có biểu hiện các triệu chứng như sau:
    + Người bệnh hôn mê đột ngột, vã mồ hôi, mạch nhanh: nghĩ đến hôn mê do hạ đường máu. Lấy máu xét nghiệm đường máu, rồi tiêm ngay 100ml glucose 20% tĩnh mạch, báo bác sĩ ngay.

    + Người bệnh hôn mê từ từ, thở nhanh và sâu: hôn mê do nhiễm toan cêton.
    + Người bệnh hôn mê kèm theo dấu hiệu mất nước nặng: nghĩ đến hôn mê tăng thẩm thấu máu.

Để có biện pháp và xử trí kịp thời như:

  • Điều trị cơn hạ đường máu bằng cách cho người bệnh uống nước hoa quả, cho ăn kẹo, mật ong hoặc tiêm glucagon, dextrose nếu người bệnh không tỉnh.
  • Chăm sóc da cho người bệnh đặc biệt là chân và bàn chân (chăm sóc tốt, thích họrp tất cả các vết thương, vết cắn, vết mọng nước ở chân).
  • Theo dõi chính xác, đầy đủ các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh.

*** Chế độ ăn:

  • Đảm bảo chế độ ăn ở người bệnh đái tháo đường để kiểm soát tốt đường máu và duy trì cân nặng của người bệnh.
  • Y tá điều dưỡng phải kiểm soát chặt chẽ chế độ ăn của người bệnh theo y lệnh cụ thể: tổng lượng calo, protein, lượng carbohydrat, lượng .. dựa vào nhu cầu của người bệnh.

*** Tập thể dục cho người bệnh có tác dụng giảm cân ở người bệnh đái tháo đường type II (thể béo).

  • Theo dõi các biến chứng cấp tính: lơ mơ, chậm chạp, chóng mặt, yếu mệt, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh… hôn mê:
    + Nhiễm toan cêton: người bệnh thở có mùi cêton, mất nước, mạch nhanh và yếu, thở sâu và chậm.

    + Triệu chứng của tăng áp lực thẩm thấu: đái nhiều, khát nhiều, giảm ý thức và các bất thường về thần kinh.
    + Quan sát các dấu hiệu nhiễm khuẩn tiết niệu, sinh dục… theo dõi protein niệu (là dấu hiệu sớm của bệnh lí thận do đái tháo đường).
  • Theo dõi đáp ứng của người bệnh với chế độ điều trị đái tháo đường.

IV. Đánh giá, ghi hồ sơ và báo cáo

  • Báo cáo những biến cố đã xảy ra trong khi chăm sóc.
  • Ghi chép đầy đủ chính xác các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh: mạch, nhiệt độ, huyết áp, cân nặng, lượng dịch vào, thể tích nước tiểu, tổng lượng calo, đường máu, urê máu, điện giải máu, đường niệu, cêton niệu.
  • Lập kế hoạch chăm sóc tiếp theo.

V. Hướng dẫn người bệnh và gia đình

  • Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ chế độ điều trị.
  • Hướng dẫn cho người bệnh và người nhà người bệnh về chế độ ăn, thể dục, vệ sinh, kĩ thuật theo dõi, nhận biết và cách ngăn chặn hạ đường máu, tăng đường máu… và các biến chứng của bệnh. Dặn dò người bệnh và thân nhân nếu có bất thường phải đến ngay cơ sở y tế.
  • Khuyên khích người bệnh thay đổi lối sống đặc biệt là chế độ ăn uống. Nhấn mạnh rằng kiểm soát đường máu hàng ngày là rất quan trọng đối với sức khoẻ của người bệnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *