Nội dung bài viết
I. ĐẠI CƯƠNG
Bơm thuốc tiêu sợi huyết vào khoang màng phổi nhằm mục đích tiêu các sợi fibrin giải phóng trong quá trình viêm, chống dày dính màng phổi.
II. CHỈ ĐỊNH
Các trường hợp tràn dịch màng phổi vách hóa, khu trú, tràn mủ màng phổi.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Tiền sử dị ứng với các thuốc tiêu sợi huyết.
– Rò màng phổi – phế quản.
– Có phẫu thuật và chấn thương trong vòng 14 ngày.
– Xuất huyết tiêu hóa hoặc có khả năng xuất huyết (suy gan, suy thận).
– Rối loạn đông cầm máu (PT < 50%, TC < 90 G/L).
– Phụ nữ có thai.
– Đã dùng thuốc tiêu sợi huyết có chống chỉ định dùng lần 2 trước đó (Streptokinase).
– Rối loạn huyết động.
IV. CHUẨN BỊ
1. Phương tiện
– Thuốc: Atropin 1/4mg: 2 ống, Lidocain 2% (ống 2ml): 3 ống. Thuốc tiêu sợi huyết, Methylprednisolon 40mg: 1 lọ, Natricorua 0,9% 250 ml: 1 chai.
– Dụng cụ: bơm tiêm 20ml: 2 chiếc, 1 bộ dây truyền, 2 gói gạc N2, 1 khóa ba chạc, 1 kim tiêm 20G, 5 ống đựng dịch, bình đựng dịch, 2 đôi găng tay vô trùng, săng vô trùng, cồn sát trùng.
– Thuốc và dụng cụ cấp cứu: Adrenalin 1mg x 2 ống, Methylprednisolon 40mg x 2 ống, Dimedrol 10mg x 2 ống, bộ đặt nội khí quản, bóng Ambu, máy hút đờm, hệ thống thở oxy.
– Máy siêu âm với đầu dò 3,5MHz.
2. Người thực hiện
– 01 Bác sĩ đã làm thành thạo kỹ thuật chống dính khoang màng phổi.
– 01 Điều dưỡng phụ giúp bác sĩ thực hiện kỹ thuật chống dính khoang màng phổi.
3. Người bệnh
– Giải thích để người bệnh hiểu về mục đích, lợi ích, cách làm và các tai biến có thể xảy ra của thủ thuật.
– Cam kết đồng ý thực hiện kỹ thuật chống dính khoang màng phổi.
– Cho người bệnh đi vệ sinh trước khi làm thủ thuật.
– Đo mạch, nhiệt độ, huyết áp.
– Đối với người bệnh bơm qua dẫn lưu màng phổi thì cần tiến hành rửa sạch khoang màng phổi và tháo dịch khoang màng phổi tối đa trước khi bơm thuốc.
– Tiêm tiền tê bằng Lidocain 2% (ống 0,04g/2ml x 2 ống). Thực hiện kỹ thuật sau 2 phút tiêm tiền tê.
– Phát và yêu cầu người bệnh giữ, trình báo khi cần thiết giấy chứng nhận đã từng sử dụng thuốc tiêu sợi huyết.
4. Hồ sơ bệnh án
Bệnh án, phim X quang phổi, cắt lớp vi tính ngực (nếu có).
5. Các thuốc tiêu sợi huyết và liều lượng
– Các thuốc tiêu sợi huyết gồm: streptokinase, anistreplase, urokinase, rt-PA (alteplase, duteplase), r-PA (reteplase), TNK- tPA (tenecteplase), nPA (lanoteplase)…
– Liều lượng một số thuốc tiêu sợi huyết thường gặp
Thuốc | Liều | Dịch pha NaCl 0.9% | Thời gian |
Streptokinase | 250.000 U/L/24 giờ | 50 – 100ml | Liên tục 7 ngày hoặc tới khi dẫn lưu ra < 100ml/ngày |
Urokinase | 100.000- 125.000 U/L/12-24 giờ | 20 – 100ml | Liên tục trong 6 ngày hoặc tới khi dẫn lưu ra < 100ml/ngày |
Alteplase | 10mg/24 giờ | 20 – 100ml | Liên tục trong 6 ngày hoặc tới khi dẫn lưu ra < 100ml/ngày |
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
– Kiểm tra hồ sơ, xem lại chỉ định chống dính khoang màng phổi.
– Kiểm tra người bệnh: toàn trạng, mạch, huyết áp…
– Thực hiện kỹ thuật:
+ Bơm thuốc tiêu sợi huyết qua thành ngực
- Bước 1: chọc tháo tối đa dịch màng phổi.
- Bước 2: bơm dung dịch thuốc tiêu sợi huyết đã pha vào khoang màng phổi.
Trước khi bơm phải hút ra dịch màng phổi và trong quá trình bơm phải đảm bảo bơm thuốc tiêu sợi huyết vào khoang màng phổi. Thực hiện 1 ÷ 2 lần/ngày tùy liều lượng của các thuốc tiêu sợi huyết được chỉ định để thực hiện kỹ thuật. - Bước 3: để người bệnh nằm nghỉ ngơi tại giường trong 3 giờ sau đó tiến hành. Chọc tháo dịch màng phổi dưới hướng dẫn của siêu âm sau 3 giờ. Nếu người bệnh có biểu hiện dị ứng, sốt, hoặc chảy máu màng phổi (dịch màng phổi chuyển sang màu hồng sẫm hoặc đỏ máu) thì dừng không bơm thuốc tiêu sợi huyết trong ngày tiếp theo.
+ Bơm thuốc tiêu sợi huyết qua dẫn lưu màng phổi
- Bước 1: tiến hành rửa màng phổi và tháo hết dịch khoang màng phổi.
- Bước 2: bơm dung dịch thuốc tiêu sợi huyết vào khoang màng phổi qua ống dẫn lưu.
- Bước 3: sau khi bơm thuốc phải bơm thêm 20ml dung dịch natriclorua 0,9% để đưa hết thuốc tiêu sợi huyết ở lòng ống dẫn lưu vào khoang màng phổi.
- Bước 4: kẹp ống dẫn lưu trong 3 giờ, rồi mở kẹp để dẫn lưu dịch ra.
VI. THEO DÕI
Mạch, huyết áp, tình trạng hô hấp, đau ngực, khó thở.
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
– Người bệnh đau ngực: dùng thuốc giảm đau theo phác đồ bậc thang của Tổ chức Y tế thế giới:
+ Bậc 1 (đau nhẹ): dùng thuốc giảm đau không phải opioid như paracetamol, thuốc chống viêm không steroid.
+ Bậc 2 (đau vừa): phối hợp thuốc loại opioid yếu (codein hoặc tramadol) với paracetamol, thuốc chống viêm không steroid.
+ Bậc 3 (đau nặng): opioid và dẫn xuất của opioid (morphin).
– Dị ứng thuốc: xử trí theo phác đồ dị ứng thuốc