Kỹ thuật gây mê Propofol trong nội soi phế quản

I. ĐẠI CƯƠNG

Propofol là một thuốc mê tĩnh mạch có tác dụng khởi phát nhanh và tỉnh cũng nhanh, nó đã được sử dụng rất rộng rãi trong nội soi đường tiêu hóa, hô hấp.

II. ĐÁNH GIÁ TRƯỚC NỘI SOI PHẾ QUẢN (NSPQ)

  • Người bệnh phải nhịn ăn, uống ít nhất 6 giờ trước khi làm thủ thuật.
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý nội khoa kèm theo như đái tháo đường, tăng huyết áp…
  • Đánh giá toàn trạng người bệnh theo thang điểm ASA.
  • Đánh giá các yếu tố nguy cơ của đặt nội khí quản (NKQ) khó như thang điểm Mallampati, khoảng cách cằm-giáp, độ há miệng…

Loại trừ các trường hợp:

  • Có chống chỉ định của NSPQ nói chung như suy hô hấp, rối loạn đông cầm máu…
  • Tuổi ≥ 70.
  • ASA ≥ 3.
  • Có nguy cơ của NKQ khó.

III. CHUẨN BỊ

Người bệnh trước khi soi phế quản được chuẩn bị:

  • Lắp máy theo dõi: mạch, SpO2, huyết áp, điện tim, nhịp thở. Cài đặt đo huyết áp 3 phút/lần.
  • Thở oxy gọng mũi 4l/phút.
  • Đặt đường truyền tĩnh mạch ngoại vi.

IV. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Gây mê và soi phế quản

  • Midazolam 1-2mg tiêm tĩnh mạch.
  • Fentanyl 25-50mcg tiêm tĩnh mạch (thận trọng với những người bệnh già, có bệnh lý phổi).
  • Propofol tiêm tĩnh mạch chậm với liều bolus 500mcg/kg, sau đó truyền tĩnh mạch với liều 25-75mcg/kg/phút để duy trì độ mê phù hợp.
  • Tiến hành NSPQ, chú ý gây tê thêm khí – phế quản.
  • Dừng truyền Propofol trước khi kết thúc SPQ 2-4 phút.
  • Theo dõi sát người bệnh về huyết áp, dấu hiệu ngừng thở, độ mê để xử trí kịp thời.

2. Đánh giá người bệnh sau NSPQ đủ điều kiện để rời phòng soi  Định hướng được bản thân, nơi chốn, thời gian.

  • Các dấu hiệu sinh tồn ổn định
  • Đi lại được không cần giúp đỡ (không bắt buộc ở mọi người bệnh).
  • Nói được (không bắt buộc ở mọi người bệnh).
  • Không đau, không chảy máu.

V. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

1. Suy hô hấp

  • Hỗ trợ hô hấp theo mức độ.
  • Ngừng NSPQ khi người bệnh có suy hô hấp vừa-nặng.

2. Tụt huyết áp

Dự phòng:

  • Bù dịch và điện giải trước khi tiến hành thủ thuật.
  • Ngừng các thuốc ức chế men chuyển trước NSPQ 01 ngày và thay bằng thuốc chẹn kênh Canxi.
  • Giảm liều ở người bệnh > 55 tuổi.
  • Tiêm chậm, có thể chia liều bolus làm 2 liều: khi khởi mê và trước khi qua dây thanh.

Khi có tụt huyết áp:

  • Giảm bớt liều Propofol.
  • Tiêm ephedrin tĩnh mạch.

3. Các thang điểm

3.1. Thang điểm ASA

  • ASA 1: tình trạng sức khỏe tốt.
  • ASA 2: có một bệnh nhưng không làm ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
  • ASA 3: có một bệnh làm ảnh hưởng tới sinh hoạt của người bệnh (loét dạ dày, tiểu đường, sỏi thận…).
  • ASA 4: có một bệnh nặng đe dọa tính mạng (COPD, hen phế quản nặng, bệnh van tim…).
  • ASA 5: tình trạng người bệnh quá nặng, hấp hối không có khả năng sống được 24 giờ dù có mổ hoặc không mổ.

3.2. Thang điểm Mallampati

Người bệnh được yêu cầu há miệng, thè lưỡi tối đa khi ngồi thẳng. Tùy theo cấu trúc hầu họng có thể thấy được mà đường thở được phân loại như sau:

  • Class 1 – khẩu cái mềm, màn hầu (fauces), lưỡi gà (uvula) và cột màn hầu (pillars) đều được nhìn thấy.
  • Class 2 – như trên nhưng không thấy cột màn hầu.
  • Class 3 – chỉ thấy khẩu cái mềm và đáy lưỡi gà.
  • Class 4 – chỉ thấy khẩu cái cứng.

3.3. Thang điểm đánh giá độ mê

Định nghĩa về các độ mê và mê toàn thân của ASA

Mê nông Mê vừa Mê sâu Mê toàn thân
Đáp ứng với kích thích Đáp ứng bình thường với khẩu lệnh phản ứng có chủ ý với khẩu lệnh hoặc với kích thích xúc giác phản ứng có chủ ý với kích thích lặp lại hoặc kích thích đau không thức tỉnh kể cả với kích thích đau
Đường thở Không bị ảnh hưởng Không cần hỗ trợ Có thể cần hỗ trợ Thường phải hỗ trợ
Thông khí tự nhiên Không bị ảnh hưởng Vẫn dung nạp được Có thể không dung nạp được Thường không dung nạp
Chức năng tim Không bị ảnh hưởng Thường dung nạp được Thường dung nạp được Có thể bị suy yếu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *