Kỹ thuật nội soi phế quản ống cứng

I. ĐẠI CƯƠNG

Là phương pháp thăm khám bên trong cây khí phế quản bằng một ống nội soi kim loại (ống nội soi cứng). Trước đây nội soi phế quản bằng ống cứng vẫn được sử dụng trong nội soi chẩn đoán, ngày nay đã có ống nội soi mềm do vậy nội soi bằng ống cứng phần lớn được sử dụng để làm nội soi can thiệp điều trị ví dụ như phá bỏ khối u, đặt stent, lấy dị vật, cầm máu…

II. CHỈ ĐỊNH

– Người bệnh có các khối u sùi lành tính hay ác tính, nguyên phát hay thứ phát
trong lòng khí phế quản.

– Sẹo hẹp khí phế quản sau đặt nội khí quản, dị vật phế quản.

– Ho máu nặng.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Chống chỉ định đối với nội soi phế quản ống cứng

– Phình tách động mạch chủ.

– Rối loạn đông cầm máu (giảm tiểu cầu, xơ gan các bệnh ưa chảy máu….).

– Suy hô hấp cấp nặng, hen phế quản chưa kiểm soát được.

– Tăng áp lực động mạch phổi nặng.

– Cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim < 1 tháng, rối loạn nhịp tim.

– Tăng huyết áp chưa kiểm soát được.

– Tăng áp lực nội sọ.

– Người bệnh không đồng ý làm thủ thuật.

– Nguy cơ dị ứng với các thuốc gây tê, gây mê.

– Suy gan, suy thận nặng, suy tim nặng.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

– Kíp thực hiện: 1 bác sĩ chuyên khoa hô hấp biết nội soi phế quản ống cứng và 1 điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên có kinh nghiệm phụ soi.

– Kíp gây mê: 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng.

2. Phương tiện

2.1. Dụng cụ

– Hệ thống nội soi phế quản ống cứng: 01 bộ.

– Bộ đặt nội khí quản, bóng ambu: 01 bộ.

– Kìm sinh thiết.

– Kẹp bông cầm máu.

– Thấu kính (optic) thẳng: 01, nghiêng: 01.

– Sonde hút.

– Máy monitoring, máy hút dịch.

– Bơm tiêm 20ml, bơm tiêm 5ml.

– Kích cỡ ống soi được lựa chọn phù hợp với từng người bệnh theo chỉ thị màu ở đầu ống soi:

Màu Đường kính (mm) Chiều dài (mm)
Vàng 12.2/13.2 260
Đen 10.4/12 +
Trắng 9/10.5 +
Đỏ 8.4/10 +
Xanh lá cây 7.4/9 +
Xanh da trời 6.4/8 +
Trẻ em 6/6.5 200
5/5.5 +
3/4.5 +

2.2. Thuốc

– Natriclorua 0,9% x 1000ml.

– Các thuốc gây tê: Xylocain, lidocain, adrenalin…

– Các thuốc giãn phế quản, corticoides.

– Các thuốc chống sốc.

– Thuốc gây mê: propofol, fentanyl…

3. Người bệnh

– Được giải thích trước về kỹ thuật.

– Người bệnh và gia đình ký cam kết làm thủ thuật.

4. Hồ sơ bệnh án

Các xét nghiệm trước soi: CTM, đông máu cơ bản, khí máu, AST, ALT, creatinin, điện giải đồ, bilirubin, glucose, nhóm máu, X quang phổi, cắt lớp vi tính phổi, điện tim, chức năng hô hấp.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Kiểm tra hồ sơ và các xét nghiệm của người bệnh

2. Kiểm tra người bệnh

Tên, tuổi, mạch, nhiệt độ, huyết áp, khám tim phổi.

3. Thực hiện kỹ thuật

Bước 1: tư thế người bệnh nằm ngửa (có giá đỡ đầu) với tư thế ngửa đầu tối đa sao cho khoang miệng – họng, dây thanh âm – khí quản tạo thành một đường thẳng. Ống nội soi được cầm ở tay phải chiều vát của ống soi quay xuống phía dưới. Optic nên được để nằm gọn trong lòng và sát đầu vát của ống soi tạo thuận lợi cho việc quan sát đường đi và tránh gây tổn thương. Ngón 2, 3 và 4 của tay trái giữ chắc hàm trên của người bệnh trong khi đưa ống nội soi vào.

Bước 2: sau khi người bệnh được gây mê sâu sẽ tiến hành đặt ống nội soi. Ban đầu ống soi được đặt tạo một góc 90 độ với mặt người bệnh, sau đó ống soi được đưa vào miệng qua đường tạo bởi ngón cái và ngón trỏ. Khi quan sát thấy nắp thanh thiệt, ống soi được hạ dần xuống đường trục miệng – họng – dây thanh – khí quản, ống soi luồn được nằm tựa trên ngón cái. Ngón trỏ của tay trái có vai trò hướng ống soi và bảo vệ lưỡi, môi và hàm dưới. Tiến hành gây tê bổ sung bằng xylocain 2% cho nắp thanh thiệt và xoang lê 2 bên. Quan sát nắp thanh thiệt xoang lê, 2 dây thanh sau đó quay nghiêng ống 90 độ sao cho bên vát của ống soi nghiêng về bên phải và lách ống soi vào giữa 2 dây thanh khi 2 dây thanh mở ra. Khi ống soi vào tới khí quản xoay ống soi trở lại tư thế lúc đầu và tiến hành nối cổng của ống nội soi cứng với máy thở, gây tê bổ sung khí quản với xylocain 2%, sau đó tiếp tục đưa ống soi xuống phía dưới và quan sát.

Bước 3: tiến hành đưa ống soi lần lượt vào mỗi bên phế quản bên trái và bên phải. Bên lành sẽ được tiến hành trước, bên bệnh sau. Để đưa ống soi vào phế quản bên trái cần quay đầu người bệnh sang phải và ngược lại để đưa ống soi vào phế quản bên phải cần quay đầu người bệnh sang trái. Tiến hành gây tê bổ sung trước khi đưa ống nội soi xuống các nhánh phế quản ở bên dưới. Việc quan sát các nhánh phế quản dưới phân thùy của thùy dưới 2 bên và thùy giữa phổi phải cần được tiến hành bằng optic thẳng 0 độ. Đối với thùy trên 2 phổi để quan sát phải sử dụng optic 90 độ.

Bước 4: sau khi quan sát đánh giá tình trạng có hay không có tổn thương mà lựa chọn các thao tác tiếp theo ví dụ: lấy dị vật nếu thấy dị vật, đốt, cắt khối u nếu thấy khối u….

Bước 5: kết thúc thủ thuật cần sử dụng ống soi mềm đưa qua ống nội soi cứng để hút loại bỏ máu, dịch, các mảnh tổ chức do thủ thuật can thiệp để lại. Sau đó ống nội soi cứng được tháo bỏ khỏi người bệnh.

VI. THEO DÕI

1. Xét nghiệm sau soi

– X quang phổi, điện tâm đồ.

– Khí máu động mạch.

– CTM, điện giải đồ, AST, ALT, creatinin, glucose, bilirubin.

2. Theo dõi điều trị sau soi

– Bù điện giải: đặc biệt là kali nếu thiếu.

– Khí dung hoặc truyền salbutamol, khí dung pulmicort, corticoide tĩnh mạch, kháng sinh.

VII. CÁC TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Các biến chứng thường liên quan đến bệnh lý khí phế quản được chỉ định nội soi phế quản ống cứng bao gồm:

– Giảm oxy.

– Rối loạn huyết động.

– Thủng khí quản hoặc thực quản gây tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất do ống soi bị đưa chệch hướng đâm thủng.

– Gẫy răng.

– Chấn thương thanh quản.

Để tránh các biến chứng đó không nên đưa ống soi quá nhanh hoặc đẩy ống soi với lực lớn. Không đưa ống soi vào khi chưa quan sát thấy rõ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *