Nội dung bài viết [Ẩn]
I. ĐỊNH NGHĨA
Soi thực quản – dạ dày – tá tràng qua đường mũi là đưa ống soi dạ dày qua đường mũi vào thực quản rồi xuống dạ dày và tá tràng nhằm mục đích chẩn đoán những bệnh lý của thực quản, dạ dày và tá tràng. Ưu điểm của phương pháp nội soi này là ống soi có đường kính nhỏ (đường kính khoảng 5,9 mm) và đi qua đường mũi, không chạm vào lưỡi gà và vùng hầu họng nên ít phản xạ ho, người bệnh đỡ khó chịu hơn.
II. CHỈ ĐỊNH
- Đau thượng vị, nôn không rõ nguyên nhân, hội chứng trào ngược
- Thiếu máu, gầy sút cân
- Đau ngực sau khi đã kiểm tra tim mạch bình thường
- Nuốt nghẹn
- Hội chứng kém hấp thu
- Tiền sử dùng thuốc chống viêm, giảm đau
- Cắt 2/3 dạ dày sau 10 năm
- Soi kiểm tra người bệnh trước mổ nặng
- Xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa tiên phát
- Bệnh polyp gia đình
- Bệnh Crohn
- Tắc mạch sâu
III. CHỐNG CHỊ ĐỊNH
1. Chống chỉ định tuyệt đối
- Các bệnh lý ở thực quản có nguy cơ làm thủng thực quản như bỏng thực quản do hóa chất và thuốc gây hẹp thực quản.
- Phình động mạch chủ ngực.
- Suy tim, nhồi máu cơ tim, cơn tăng huyết áp.
- Suy hô hấp, khó thở do bất cứ nguyên nhân gì, ho nhiều.
- Dị tật, polyp cuốn mũi… làm cản trở việc đưa máy soi qua mũi.
2. Chống chỉ định tương đối
- Gù vẹo cột sống nhiều
- Người bệnh già yếu
- Người bệnh tâm thần không phối hợp được
- Tụt huyết áp
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
- 01 bác sĩ chuyên khoa nội soi tiêu hóa, 02 điều dưỡng.
2. Phương tiện
- Máy nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng ống mềm, kích thước nhỏ, loại cửa sổ thẳng và các dụng cụ đi kèm máy nội soi.
- Nguồn sáng
- Máy hút
- Nước cất để bơm rửa khi cần thiết trong quá trình nội soi.
- Chất bôi trơn đầu máy soi: K – Y
- Thuốc gây tê vùng họng: Xylocain 2% hoặc Lidocain 10 %
- Găng, gạc, bơm tiêm 20 ml.
3. Người bệnh
- Nhịn ăn tối thiểu 6 giờ trước nội soi. Người bệnh phải được giải thích kỹ về lợi ích và tai biến của thủ thuật và đồng ý soi.
- Nếu người bệnh nội trú phải có bệnh án.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Kiểm tra hồ sơ bệnh án
- Nếu người soi là người bệnh nội trú.
2. Kiểm tra người bệnh
- Đúng họ tên, tuổi, giới, địa chỉ. Người bệnh nằm nghiêng trái hoặc ngồi thẳng trong trường hợp khó.
3. Thực hiện kỹ thuật
3.1. Chuẩn bị và kiểm tra máy soi.
3.2. Gây tê bên lỗ mũi soi bằng Xylocain 2% hoặc Lidocain 10%.
3.3. Đưa máy soi qua mũi, họng vào thực quản, dạ dày, tá tràng bơm hơi và quan sát. Có thể dùng bơm tiêm bơm nước cất vào cho sạch chất bẩn ở những vùng cần quan sát kỹ.
3.4. Rút máy và tẩy uế, khử khuẩn máy soi theo đúng quy định sau:
- Rửa máy: Dùng 500 ml dung dịch xà phòng trung tính 0,5 %, van bơm tăng cường để rửa sạch phần ngoài của máy và các đường bên trong máy.
- Thử hơi: Dùng dụng cụ thử hơi kèm máy soi để xem vỏ cao su của máy có bị rách không, nếu rách không được ngâm máy vào dung dịch tẩy uế mà phải gửi máy đi sửa ngay.
- Tẩy uế: chỉ tiến hành khi máy soi không bị rách.
+ Dùng 5 lít xà phòng trung tính 0,5%, bàn chải, van ba chiều để tẩy uế.
+ Ngâm toàn bộ máy vào dung dịch tẩy uế, dùng bàn chải, van ba chiều để rửa sạch phần ngoài và các đường bên trong của máy. - Sát khuẩn:
+ Dùng 5 lít dung dịch sát khuẩn Glutaraldehyd 2%, van ba chiều để sát khuẩn máy.
+ Ngâm toàn bộ máy vào dung dịch sát khuẩn để rửa sạch các đường bên trong của máy. - Sấy khô máy: dùng van bơm tăng cường, bộ phận bơm khí của nguồn sáng, máy hút để làm khô các đường bên trong của máy trước khi cất máy.
VI. THEO DÕI
- Tình trạng chung của người bệnh, mạch, huyết áp nếu người bệnh có xuất huyết tiêu hóa.
- Tình trạng nuốt khó.
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
- Đưa máy nhầm vào khí quản: phải rút máy ra, đưa lại vào thực quản.
- Nuốt khó có thể do thủng thực quản. Nếu nghi ngờ cho người bệnh đi chụp X quang, tùy mức độ có thể cho nhịn ăn, dùng kháng sinh và gửi ngoại khoa nếu cần thiết.