Việt Nam vẫn nằm trong các nước có số bác sĩ và điều dưỡng trên 1.000 dân ở mức thấp

Với 0,8 bác sĩ và 1,1 điều dưỡng trên 1.000 dân (năm 2016), biểu đồ so sánh phân bố số lượng bác sĩ và điều dưỡng trên 1.000 dân giữa các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của TCYTTG cho thấy Việt Nam thuộc nhóm các nước có số lượng bác sĩ và điều dưỡng thấp hơn chỉ số trung bình của các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp.

Theo TCYTTG, khả năng để người dân của một quốc gia có thể tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng cao phụ thuộc rất nhiều vào quy mô, kỹ năng, năng lực, phân bố địa lý và năng suất lao động của đội ngũ nhân viên y tế. Nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ và điều dưỡng, là nền tảng của hệ thống chăm sóc sức khỏe.

 

Số lượng bác sĩ trên 1.000 dân rất khác nhau giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nhìn chung thấp hơn mức trung bình của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế –  OECD. Chỉ số bác sĩ tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp là 1 bác sĩ trên 1.000 dân, trong khi ở các nước có thu nhập trên trung bình là 1,2 bác sĩ trên 1.000 dân. Đặc biệt, Úc và CHDCND Triều Tiên là 2 quốc gia có số lượng bác sĩ cao nhất với 3,7 bác sĩ trên 1.000 dân, cao hơn mức trung bình của các nước thuộc tổ chức OECD (3,4 bác sĩ trên 1.000 dân). Ngược lại, Papua New Guinea, Campuchia và Quần đảo Solomon có số lượng bác sĩ thấp nhất, bằng hoặc dưới 1 bác sĩ trên 5.000 dân.

 

Thiếu hụt bác sĩ theo chuyên khoa cũng là một vấn đề khá phổ biến hiện nay tại các nước thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Ví dụ tại Nhật Bản, số lượng cơ sở y tế có khoa Ngoại và khoa Nhi đang giảm, tình trạng thiếu bác sĩ ở các khoa Cấp cứu, Sản phụ khoa, Nội khoa và Gây mê cũng là một thực trạng đã được xác định. Ngoài ra, sự phân bố không đồng đều số lượng nhân viên y tế theo khu vực địa lý trong cùng một quốc gia còn là một vấn đề đáng lo ngại khi mà phần lớn nhân viên y tế có xu hướng tập trung ở khu vực thành thị, dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực y tế ở các vùng sâu vùng xa và vùng nông thôn, dẫn đến tình trạng khó tiếp cận các dịch vụ y tế, đặc biệt là những nhóm dân cư dễ bị tổn thương.

 

Có sự khác biệt lớn về số lượng điều dưỡng giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Số lượng điều dưỡng cao nhất ở các nước có thu nhập cao như Nhật Bản, Úc và New Zealand, với khoảng 12 điều dưỡng trên 1.000 dân. Nguồn nhân lực điều dưỡng thấp hơn nhiều ở một số quốc gia có thu nhập thấp, bao gồm Papua New Guinea, Pakistan và Bangladesh, nơi chỉ có 1 điều dưỡng hoặc ít hơn 1 trên 2.000 dân. Trung bình, ít hơn 2 điều dưỡng trên 1000 dân ở các nước có thu nhập trung bình và trung bình thấp và 3 điều dưỡng trên 1.000 dân ở các nước thu nhập trên trung bình, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của khối OECD (8 điều dưỡng trên 1.000 dân). Tại Indonesia và Philippines và một số quốc gia khác trong khu vực cũng gặp phải vấn đề phân bố không đồng đều số lượng điều dưỡng giữa các khu vực trong cùng một nước.

 

Ở một số quốc gia, lập kế hoạch về nguồn nhân lực y tế quốc gia cần tính đến xu hướng di cư để đảm bảo số lượng nhân viên y tế cần thiết làm việc trong nước. Ví dụ, khoảng 69.000 bác sĩ được đào tạo tại Ấn Độ đã làm việc tại Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada và Úc trong năm 2017, và gần 56.000 điều dưỡng được đào tạo tại Ấn Độ làm việc tại bốn quốc gia đó, trong khi mật độ bác sĩ và điều dưỡng trong nước chỉ bằng một nửa mức trung bình của Châu Á – Thái Bình Dương.

 

Như đã thấy ở các nước OECD, số điều dưỡng nhiều hơn số bác sĩ và có 2 và 2,3 điều dưỡng cho mỗi bác sĩ ở các nước có thu nhập trung bình thấp và thấp, và các nước có thu nhập trung bình trên trung bình. Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ, như quần đảo Solomon có hơn 11 điều dưỡng cho mỗi bác sĩ (do số lượng bác sĩ rất thấp), mặt khác, các nước có bác sĩ đông hơn điều dưỡng là Bangladesh và Pakistan.

Số bác sĩ trên 1.000 dân tại các nước thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

 

Số điều dưỡng trên 1.000 dân tại các nước thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

 

(Tài liệu tham khảo: “OECD/WHO (2020), Health at a Glance: Asia/Pacific 2020: Measuring Progress Towards Universal Health Coverage, OECD”

 

SỞ Y TẾ TP.HCM

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *