Chăm sóc bệnh nhi sốc

I. Mục đích

  • Bảo đảm việc tưới máu tối ưu cho các cơ quan.
  • Theo dõi và phát hiện kịp thời các biến chứng.
  • Đảm bảo dinh dưỡng.
  • Phòng chống nhiễm khuẩn.

II. Chuẩn bị đạo cụ

1. Các dụng cụ phục vụ cho hô hấp hỗ trợ:

  • Bóng Ambu.
  • Oxy nối với bóng Ambu.
  • Ống thông hút đờm vô khuẩn, các cỡ khác nhau phù hợp với tuổi: sơ sinh cỡ ống 6, trẻ lớn đường kính ống <1/2 đường kính ống nội khí quản (NKQ).
  • Sử dụng Ống hút một lần.

2. Các dụng cụ phục vụ cho giám sát tuần hoàn:

  • Máy đo huyết áp.
  • Ống đo áp lực tĩnh mạch trung tâm (TMTT).
  • Máy ghi điện tim, máy theo dõi nhịp tim (Monitor).

3. Các dụng cụ truyền dịch, thuốc:

Qua tĩnh mạch ngoại biên, TMTT hoặc truyền trong xương.

4. Các dụng cụ cho ăn qua ống thông mũi – dạ dày:

  • Ống thông dạ dày với các cỡ phù hợp theo tuổi: sơ sinh cỡ ống số 6.
  • Bơm tiêm 20 – 50ml, chai dịch chứa thức ăn khi cần nhỏ giọt dạ dày.
  • Dịch dinh dưỡng: sữa mẹ, sữa năng lượng cao, súp…
  • Ống thông bàng quang để theo dõi nước tiểu.

III. Các bước tiến hành

1. Bệnh nhi:

* Tư thế:

  • Đầu thấp (khi HA hạ), kê gối vai làm thẳng đường thở.
  • Đầu cao: khi HA bình thường, đặc biệt trong phù phổi cấp huyết động, phù phổi cấp tổn thương.

Giường đệm chống loét.

2. Theo dõi truyền dịch: loại dịch, lượng dịch, tốc độ truyền theo đúng y lệnh.

3. Đo huyết ảp, mạch, nhịp thở, vân tím da (reill), nước tiểu

Đo áp lực TMTT (C.V.P)… 1 giờ/1 lần tuỳ theo tình trạng sốc.

Phát hiện, ghi điện tim khi có biểu hiện rối loạn nhịp.

4. Theo dõi tình trạng hô hấp hỗ trợ:

  • Hoạt động của máy thở, các thông số thở máy có đúng theo y lệnh không.
  • Bóp bóng qua NKQ đúng kĩ thuật (nếu có chỉ định)
  • Theo dõi tình trạng bệnh nhi: di động lồng ngực, sắc môi, nhịp tim 1 giờ/1 lần.
  • Hút dịch NKQ, hút đờm dãi: 1 giờ/1 lần, theo mức độ xuất tiết.

5. Tiến hành các xét nghiệm đầy đủ, kịp thòi:

Bao gồm xét nghiệm: huyết học, sinh hoá, X-quang, khí máu, các dịch cấy máu… theo chỉ định.

6. Đặt ống thông dạ dày qua mũi hoặc miệng (sau khi đặt canun Mayo)

  • Đo chiều dài Ống thông đúng quy trình kĩ thuật, kiểm tra vị trí đúng ống thông ở trong dạ dày.
  • Cho ăn:
    + Kiểm tra dịch dạ dày: màu, thức ăn cũ?
    + Bơm thức ăn (sữa mẹ, sữa bò, súp…) với lượng ăn theo chỉ định.
  • Cho ăn nhỏ giọt dạ dấy nếu trẻ trướng bụng, nôn.
  • Dịch dạ dày nâu đen; rửa bằng dung dịch NaCl 9‰ cho đến khi trong, cho ăn lại và theo dõi theo y lệnh bác sĩ chỉ định.
  • Bơm thuốc bao niêm mạc dạ dày và thuốc kháng H2 như cimetidin theo y lệnh.
  • Kiểm tra phân, cân bệnh nhi (nếu có thể).

7. Theo dõi nhiệt độ: đo nhiệt độ 2 lần/ngày theo cấp chăm sóc I, II, III.

  • Trẻ sốt cho cởi bớt quần áo.
  • Trẻ hạ thân nhiệt (<36°C): ủ ấm, sưởi.

8. Thay đổi tư thế 3-4 lần/ngày, xoa bóp, vỗ rung

9. Vệ sinh lau rửa hàng ngày:

  • Mắt, mũi, miệng,
  • Hậu môn sinh dục, các nếp gấp nách, bẹn, cổ.

10. Thay băng, vệ sinh: chấm cồn iod chân ống thông dẫn lưu, ống thông TMTT. Thay Ống NKQ 2 lần/tuần. ống thông ăn, thông bàng quang tối đa 2 ngày/ lần.

IV. Đánh giá, ghi hồ sơ và báo cáo

  • Theo dõi các dấu hiệu sốc: mạch, HA, nhịp thở, tím, nước tiểu theo bảng.
  • Các thông số thở máy, tình trạng bệnh nhi theo bảng.
  • Tinh trạng đờm: lượng, màu sắc.
  • Tình trạng tiêu hoá: lượng ăn, nôn, phân.
  • Nhiệt độ.
  • Nếu có các dấu hiệu bất thường báo bác sĩ.

V. Hướng dẫn người bệnh và gia đình

  • Giải thích tình trạng bệnh, giúp bà mẹ và gia đình yên tâm hợp tác.
  • Giải thích tầm quan trọng vệ sinh cá nhân và giúp bà mẹ cách vệ sinh đúng cho trẻ.
  • Không tự ý thay đổi tốc độ truyền dịch, tháo bỏ ống thông, dây dẫn lưu, sờ mó vào máy.
  • Tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn: mặc áo của viện, rửa tay vô khuẩn.
  • Duy trì: nguồn sữa mẹ hoặc thức ăn bổ sung đầy đủ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *