Chăm sóc bệnh nhi hạ thân nhiệt

I. Mục đích

  • Đưa thân nhiệt của bệnh nhi trở lại bình thường.
  • Phòng chống trụy tim mạch nhiễm khuẩn.
  • Bảo đảm dinh dưỡng.

II. Chuẩn bị

1. Phòng nằm của bệnh nhi:

  • Bảo đảm ấm, duy trì nhiệt độ từ 21 – 24°C
  • Không có gió lùa.
  • Giường đệm ấm.

2. Dụng cụ:

  • Nhiệt kế đo được nhiệt độ từ 20°C
  • Nguồn oxy đã được làm ẩm và ấm.
  • Mặt nạ thở oxy, bóng bóp, ống thông hút, máy hút.
  • Khăn to, ấm (nhiệt đồ từ 38 – 42°C)
  • Chai và túi chườm.
  • Dung dịch đường glucose và muối đẳng trương.
  • Chậu nước ấm.
  • Ống thông dạ dày, bơm tiêm.
  • Sữa ấm.

III. Các bước tiến hành

1. Trước khi đến viện:

  • Đưa bệnh nhi vào nơi ấm, kín gió.
  • Cỏi hết quần áo ướt.
  • Lau khô toàn thân.
  • Dùng khăn ấm quấn lên đầu và toàn thân bệnh nhi.
  • Chuyển bệnh nhi đến cơ sở y tế gần nhất. Trên đường chuyển phải có nhân viên y tế đi kèm, phải đầy đủ dụng cụ cấp cứu.

2. Tại bệnh viện:

Rửa tay trước khi chăm sóc bệnh nhi.

* Nếu bệnh nhi hạ thân nhiệt từ 32 – 35,5°C:

  • Đặt bệnh nhi nằm trên giường có đệm ấm.
  • Bảo đảm nhiệt độ phòng 21 – 24°c
  • Tiếp tục đắp chăn ấm, có thể dùng tia hồng ngoại để sưởi
  • Ủ ấm bằng túi chườm hay chai nước ấm.

* Chú ý: Túi chườm và chai phải bọc vào khăn, không chườm trực tiếp vào da bệnh nhi tránh gây bỏng.

  • Hút sạch dịch tiết ở miệng, mũi họng.
  • Thở oxy đã được làm ẩm và ấm ở nhiệt độ 42 – 44°c qua mặt nạ hay ống thông mũi.
  • Dịch truyền cho bệnh nhi phải ấm từ 37 – 41°c.
  • Hạn chế các thủ thuật không thật cần thiết khi đang cấp cứu.
  • Kiểm tra nhiệt độ trung tâm, mạch, HA, nhịp thở, tri giác 15 – 30phút/1 lần.
  • Theo dõi trên điện tâm đồ, phắt hiện kịp thời những rối loạn như: mạch chậm, rung nhĩ, rung thất…
  • Cho ăn sữa ấm qua ống thông dạ dày: số lượng theo y lệnh.

* Nếu bệnh nhì hạ thân nhiệt dưới 32°C: những biện pháp làm ấm lại như trên và thêm: Bơm rửa dạ dày, thụt hậu môn, rửa bàng quang bằng dung dịch đẳng trương NaCl 9‰ ấm ở nhiệt độ 40 – 42°c.

* Những biện pháp trên không có hiệu quả báo bác sĩ trực, tiến hành rửa màng bụng với dung dịch nước muối đẳng trương hâm ấm 37 – 43°c.

* Nếu chân tay bệnh nhi bị cứng lạnh:

  • Ngâm vào chậu nước ấm 39 – 40°c trong khoảng thời gian 20 – 30 phút hoặc cho đến khi màu sắc của chi trở lại bình thường.
  • Bệnh nhi bị hạ nhiệt độ phải được chăm sóc và cấp cứu tích cực trong thời gian dài mặc dù các dấu hiệu thần kinh rất nặng như: hôn mê, đồng tử giãn mất phản xạ, ngừng thở… vì trẻ vẫn có khả năng hồi phục.
  • Đối với trẻ sơ sinh đặc biệt là trẻ đẻ non khi bị hạ thân nhiệt, nên dùng phương pháp chuột túi (Kangaroo Care) để ủ ấm cho trẻ. Đây là một biện pháp dễ làm, mang lại kết quả tốt.

IV. Đánh giá, ghi hồ sơ và báo cáo

  • Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn: tri giác, mạch, huyết áp nhịp thở 1 giờ/1 lần.
  • Nhiệt độ hậu môn 30 phút/1 lần.
  • Dịch tiết.
  • Phát hiện những dấu hiệu nhiễm trùng, đặc biệt là viêm phổi.
  • Số lượng và số bữa ăn hàng ngày.

V. Hướng dẫn người bệnh và gia đình

  • Giải thích để bà mẹ yên tâm và cùng họp tác chăm sóc.
  • Phổ biến cho bà mẹ kiến thức biết chăm sóc con khi thời tiết lạnh cũng như những sơ cứu ban đầu khi bị hạ thân nhiệt.
  • Tuyên truyền cho bà mẹ biết cách ủ ấm cho con bằng phương pháp chuột túi, đặc biệt là trẻ đẻ non, thấp cân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *