Nội dung bài viết
I. Mục đích
- Theo dõi diễn biến các triệu chứng xuất huyết tiêu hóa còn tiếp tục hay đã ngừng chảy.
- Phát hiện kịp thời tình trạng chảy máu nặng, sốc do mất máu đường tiêu hóa.
- Điều trị cấp cứu những bệnh nhi xuất huyết tiêu hóa nặng.
- Theo dõi các triệu chứng kèm theo với xuất huyết tiêu hóa như sốt, vàng da, đau bụng giúp cho chẩn đoán nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa
II. Chuẩn bị
- Bệnh nhi xuất huyết tiêu hóa nặng, nhiều, ồ ạt cần theo dõi tại phòng cấp cứu, thuộc bệnh chăm sóc cấp I
Chuẩn bị dụng cụ và thuốc:
- Ông thông dạ dày phù hợp.
- Huyết áp kế phù hợp với lứa tuổi.
- Đồng hồ giây đếm mạch.
- Dịch truyền Lactat ringer, dung dịch muối sinh lí 9%0, huyết tương
- Máu cùng nhóm
- Các dụng cụ kim bướm, bộ dây truyền dịch.
- Dụng cụ đo áp lực tĩnh mạch khi cần thiết.
III. Các bước tiến hành
- Bệnh nhi cần nằm yên tĩnh tại giường trong phòng thoáng, ấm có chăn đắp có oxy, tránh cử động nhiều, nếu huyết áp dưới 80mmHg (tối đa) cần để bệnh nhi nằm đầu thấp.
- Đo mạch và huyết áp 1 giờ/lần, nếu máu chẩy ồ ạt đo theo y lệnh bác sĩ: đo 30 phút/lần, đánh giá màu sắc niêm mạc.
- Nếu mất máu nặng, huyết sắc tố dưới 8 g/lít, chuẩn bị truyền máu cho bệnh nhi.
- Đặt Ống thông dạ dày hút dịch để xác định có xuất huyết dạ dày không ? và sau 1 – 2 giờ hút lại xem máu có tiếp tục chảy không ? ống thông dạ dày còn sử dụng để bơm rửa dạ dày bằng các dung dịch lạnh, kiềm để góp phần cầm máu tại chỗ.
- Theo dõi các biểu hiện xuất huyết tiêu hóa như màu sắc chất nôn (có kèm máu tươi, máu loãng), màu sắc phân (màu đen, bã cà phê, hoặc đỏ tươi, đỏ sẫm).
- Trẻ bị xuất huyết tiêu hoá cần nằm yên tại giường không để trẻ tự động đi lại khi còn đang theo dõi xuất huyết tiêu hóa. Nếu cần di chuyển để chụp phim, làm xét nghiệm phải chuyển bằng giường, cáng.
- Theo dõi tình trạng tinh thần của trẻ: tỉnh táo, lơ mơ, lú lẫn hoặc hôn mê. Vì khi mất máu nhiều, trẻ có thế có các biểu hiện thiếu máu não gây các biểu hiện li bì, hôn mê.
IV. Các xét nghiệm cần làm để theo dõi xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em
1. Xét nghiệm đánh giá diễn biến mức độ xuất huyết tiêu hóa:
- Thực hiện các xét nghiệm theo y lệnh.
- Công thức máu – Hemoglolin hàng ngày, từng giờ.
- Hematocrit.
- Thời gian máu chảy máu đông
- Nhóm máu (để chuẩn bị truyền khi cần)
- Máu trong phân: nếu nghi ngờ Benzidin
2. Thăm dò cận lâm sàng chẩn đoán nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa:
Chuẩn bị bệnh nhi theo y lệnh của bác sĩ để thực hiện các thăm dò sau:
- Nội soi dạ dày tá tràng hoặc đại tràng cấp cứu.
- Siêu âm gan mật tìm nguyên nhân chảy máu đường mật.
- Chụp X quang đường tiêu hóa có chuẩn bị.
- Chụp nhấp nháy phóng xạ bụng.
V. Đánh giá, ghi hồ sơ và báo cáo
- Đánh giá diễn biến của xuất huyết tiêu hóa dựa vào chất nôn và phân có máu tiếp tục ngày càng tăng không?
- Huyết áp, mạch, lượng nước tiểu, tinh thần bệnh nhi có tiến triển tốt hay xấu so với trước khi điều trị: tốt lên hay xấu đi, xấu nhanh hơn chứng tỏ lượng máu mất nhiều. Theo dõi còn xuất huyết hay đã ngừng
- Cần ghi rõ trong hồ sơ các triệu chứng nôn máu, ỉa máu, mạch, huyết áp, tình trạng tinh thần, lượng nước tiểu, lượng dịch, lượng máu đã truyền theo y lệnh của bác sĩ tùy theo mức độ và tình trạng xuất huyết tiêu hóa 30 phút/llần, 1 giờ 1 lần, hoặc 3 giờ 1 lần….
- Trong quá trình theo dõi bệnh nhi xuất huyết tiêu hóa cần báo cáo ngay những diễn biến cấp tính đột xuất biểu hiện tình trạng chảy máu cấp cần phải xử trí báo ngay cho bác sĩ.
VI. Hướng dẫn gia đình bệnh nhi theo dõi và phòng xuất huyết tiêu hóa
- Giải thích cho gia đình bệnh nhi về tình trạng bệnh để gia đình hiểu và cùng hợp tác trong chăm sóc, điều trị.
- Theo dõi và giữ chất nôn và phân khi nghi ngờ xuất huyết tiêu hóa, khi chất nôn và phân có máu phải đưa trẻ tới bệnh viện khám.
- Đề phòng xuất huyết tiêu hóa: uống thuốc theo đúng chỉ định của thầy thuốc, hạn chế dùng thuốc aspirin, analgin, các loại cortison.
- Hướng dẫn chế độ vệ sinh và ăn uống cho bệnh nhi: cho trẻ ăn thức ăn nguội, mềm, dễ tiêu hoá.