Nội dung bài viết
I. Mục đích
- Làm giảm gánh nặng cho tim đang bị suy: giảm gắng sức, giảm lượng nước và muối đưa vào cơ thể từ đó làm giảm thể tích tuần hoàn.
- Bảo đảm tuân thủ nghiêm túc chỉ định điều trị.
II. Chuẩn bị
1. Người bệnh:
- Giải thích đầy đủ cho người bệnh sự cần thiết phải nghỉ ngơi và phải nghiêm túc tuân theo chỉ định điều trị.
- Đặt người bệnh ở tư thế thích hợp.
2. Người thực hiện:
Y tá – điều dưỡng đầy đủ trang phục y tế.
3. Nơi thực hiện:
Tại giường bệnh.
4. Dụng cụ:
- Giường bệnh có thể thay đổi tư thế.
- Hệ thống oxy và dụng cụ thở oxy (mặt nạ oxy hoặc kính oxy).
- Bô và chai đựng nước tiểu.
- Máy đo huyết áp (HA), đồng hồ có kim giây để đếm mạch, nhiệt kế.
- Máy monitor theo dõi mạch, HA, điện tim, nhịp thở.
III. Các bước tiến hành
1. Đánh giá tình trạng người bệnh:
- Mức độ khó thở: khó thở liên tục, khó thở tăng lên khi nằm, khó thở khi gắng sức nhẹ, khó thở khi gắng sức nhiều (như lên cầu thang….), tần số thở, tím.
- Mức độ phù: nhiều, ít.
- Đếm tần số tim, nhịp tim (đều hay loạn nhịp), đo huyết áp, cặp nhiệt độ.
- Theo dõi lượng nước tiểu người bệnh 24 giờ, ghi bệnh án.
2. Cho người bệnh nghỉ ngơi tại giường, đặt tư thế đầu cao (45° – 60°).
- Người bệnh phải nằm liên tục tại giường nếu khó thở xuất hiện cả khi nghỉ ngơi hoặc gắng sức nhẹ.
- Nếu khó thở chỉ xuất hiện khi gắng sức nhiều, cố thể cho phép người bệnh rời khỏi giường khi cần thiết, nhưng phải theo dõi.
3. Cho người bệnh thở oxy theo chỉ định của bác sĩ
Thường cho thở oxy với lưu lượng 4-6 lít/phút.
4. Thực hiện thuốc và xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ.
5. Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ cho người bệnh.
- Chú ý người bênh phải ăn chế độ ăn giảm muối. Theo dõi lượng nước đưa vào cơ thể mỗi ngày.
- Với người bệnh suy tim nặng, phải giúp người bệnh thực hiện mọi công việc cần thiết (trở mình, ăn uống, vệ sinh, thay quần áo….), không để người bệnh phải tự làm.
6. Chống tắc mạch do suy tim:
- Hướng dẫn người bệnh tập vận động, nhất là chi dưới.
- Dùng thuốc chống đông theo chỉ định điều trị (chú ý nhắc bác sĩ làm đầy đủ các xét nghiệm đông máu cần thiết để theo dõi).
IV. Đánh giá, ghi hồ sơ và báo cáo
- Ghi nhận xét đều đặn (1 giờ/lần, 3 giờ / lần, 6 giờ /lần,… tuỳ theo mức độ suy tim của người bệnh và theo chỉ định của bác sĩ): mức độ khó thở, tần số thở, tần số tim, huyết áp.
- Ghi lại nhiệt độ 3 – 6 giờ/lần và nhiệt độ cao nhất trong ngày, ghi lượng nước tiểu mỗi ngày.
- Theo dõi việc đưa xét nghiệm và nhận về đầy đủ các xét nghiệm đã làm trong ngày, đưa bác sĩ đọc.
- Báo cáo ngay cho bác sĩ biết những diễn biến bất thường.
- Lập kế hoạch chăm sóc tiếp theo.
V. Hướng dẫn người bệnh và gia đình
- Thường xuyên giải thích và hướng dẫn cho người bệnh hiểu sự cần thiết phải nghỉ ngơi và vận động thích hợp với mức độ suy tim.
- Hướng dẫn và động viên người bệnh thực hiện đúng chế độ ăn giảm muối.
- Ăn nhiều quả (chuối, hồng xiêm) có chứa nhiều kali nếu người bệnh không suy thận.