Chăm sóc người bệnh viêm tụy cấp

I. Mục đích

  • Làm giảm cơn đau cho người bệnh.
  • Phát hiện sớm các biến chứng có thể xảy ra và xử trí kịp thời:

    + Truy mạch, sốc chảy máu ổ bụng…

     

    + Suy thận cấp.

    + Suy hô hấp cấp.

  • Đảm bảo dinh dưỡng bằng đường truyền dịch.

II. Chuẩn bị

1. Người bệnh:

  • Giải thích động viên để người bệnh yên tâm điều trị.
  • Nằm nghỉ ngơi ở tư thế thoải mái trên giường bệnh.
  • Nhịn ăn hoặc cho ăn ít để tránh kích thích tiết dịch tiêu hoá.

2. Người thực hiện:

Y tá- điều dưỡng.

  • Đầy đủ trang phục y tế, đội mũ, đeo khẩu trang.
  • Rửa tay trước khi chuẩn bị dụng cụ và chăm sóc người bệnh.

3. Nơi thực hiện:

  • Tại giường bệnh.

4. Dụng cụ:

  • Dụng cụ phải được xếp gọn gàng đầy đủ trên xe tiêm và thực hiện quy chế vô trùng khi thực hiện thuốc.
  • Thuốc:
    + Sandostatin hoặc Stilamin.
    + Các dung dịch: Plasma, dung dịch đẳng trương NaCl 9%0, Natribicabonat 1,4%, Ringerlactat, các thuốc vận mạch (dopamin, dobutamin, noadrenalin).

III. Các bước tiến hành

1. Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn:

  • Đếm mạch, nhịp thở, huyết áp 2 lần/ngày hoặc tuỳ theo tình trạng người bệnh, 1 giờ/1 lần, 2 giờ/1 lần hoặc theo y lệnh.
  • Nếu huyết áp tụt, mạch nhanh nhỏ thì phải báo ngay cho bác sĩ để xử trí kịp thời.
  • Đo nhiệt độ nếu sốt thì cho chườm lạnh.
  • Theo dõi cơn đau, tình trạng bụng, nếu có dấu hiệu bất thường báo ngay cho bác sĩ.
  • Theo dõi số lượng, màu sắc nước tiểu 24 giờ.
  • Theo dõi dịch dạ dày: số lượng, màu sắc.

2. Thực hiện y lệnh:

  • Tiêm kháng sinh theo giờ.
  • Truyền stilamin theo y lệnh.
  • Truyền dịch.
  • Thực hiện các xét nghiệm.

3. Chế độ nghỉ ngơi vệ sinh:

  • Người bệnh nằm nghỉ ngơi trên giường bệnh, phòng thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông.
  • Hàng ngày vệ sinh thân thể, quần áo, ga, dùng nước ấm về mùa đông. Nếu người bệnh có nôn phải được chăm sóc và thay quần áo ngay.

4. Chế độ dinh dưỡng:

  • Người bệnh nhịn ăn, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.
  • Theo dõi dịch dạ dày, số lượng dịch hút ra để báo bác sĩ bù lại cho đủ lượng dinh dưỡng.

5. Theo dõi các biến chứng

  • Thể trạng người bệnh mệt hơn hoặc các dấu hiệu sinh tồn không ổn định.
  • Đau bụng dữ dội, bụng chướng.
  • Khó thở,truỵ mạch.
  • Số lượng nước tiểu ít, màu sẫm.
  • Khi phát hiện các dấu hiệu trên nhất là huyết áp tụt, bụng đau dữ dội phải báo ngay cho bác sĩ để xử trí kịp thời.

* Sau khi thực hiện y lệnh chăm sóc xong:

  • Thu dọn dụng cụ.
  • Rửa tay.

IV. Đánh giá, ghi hồ sơ và báo cáo

Người bệnh được chăm sóc tốt khi:

  • Các dấu hiệu sinh tồn được ổn định.
  • Cơn đau giảm.
  • Các y lệnh được thực hiện đầy đủ.
  • Người bệnh được theo dõi sát, ghi các diễn biến vào phiếu chăm sóc.
  • Khi người bệnh có dấu hiệu bất thường phải báo ngay cho bác sĩ để xử trí kịp thời. Lập kế hoạch chăm sóc tiếp theo và kí tên.

V. Hướng dẫn người bệnh và gia đình

  • Động viên giải thích người bệnh yên tâm điều trị.
  • Chế độ nghỉ ngơi và vệ sinh phù hợp.
  • Hướng dẫn: người bệnh ăn uống điều độ tránh các bữa ăn thịnh soạn. Khi có các triệu chứng đau bụng, sốt phải đến cơ sở y tế ngay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *