Kỹ thuật chăm sóc người bệnh có đặt ống nội khí quản

I. MỤC ĐÍCH

  • Duy trì việc giữ thông đường dẫn khí.
  • Duy trì ống nội khí quản (NKQ) đúng vị trí.
  • Đảm bảo người bệnh thở không khí sạch.
  • Đảm bảo vô khuẩn, tránh những biến chứng nhiễm khuẩn đường hô hấp, biến chứng liên quan đến ống NKQ.

II. CHỈ ĐỊNH

Tất cả người bệnh có đặt NKQ.

III. CHUẨN BỊ

1. Người bệnh

Người bệnh nằm ngửa, được giải thích kỹ, tăng oxy 100% trong 3 phút với bóng ambu hoặc máy thở trước khi tiến hành chăm sóc.

2. Dụng cụ

* Dụng cụ vô khuẩn:

  • 2 hoặc nhiều ống hút đàm với nhiều cỡ
  • Găng tay vô khuẩn
  • Nước cất hút đàm
  • 1 ống tiêm 5cc, kiêm tiêm

*Mâm dụng cụ sạch gồm:

  • 1 kềm Kelly
  • Gòn viên
  • Gạc
  • Vaselin
  • Que đè lưỡi
  • Chén chung đựng nước muối sinh lý.

*Các dụng cụ khác, gồm:

  • Khăn lông nhỏ
  • Bồn hạt đậu
  • Vật dùng đựng gòn dơ
  • Dây buộc NKQ
  • Kéo
  • Máy hút

IV. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

STT KỸ THUẬT CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH CÓ ĐẶT ỐNG NỘI KHÍ QUẢN
1 Soạn đầy đủ dụng cụ. Mang dụng cụ đến bên giường người bệnh.
2 Chào người bệnh – Giải thích cho người bệnh (Nếu người bệnh tỉnh).
3 Cho người bệnh nằm mặt nghiêng về phía người điều dưỡng.
4 Choàng khăn qua cổ người bệnh.
5 Đặt bồn hạt đậu dưới cằm người bệnh. Đặt túi rác hoặc bồn đậu sạch nơi thuận tiện.
6 Rửa tay nhanh.
7 Tăng oxy lên 100% trong 3 phút.
8 Gắn ống hút đàm vào dây hút.
9 Mang găng tay vô khuẩn một chiếc.
10 Bật máy hút, kiểm tra máy, tráng ống hút.
11 Hút đàm trong ống NKQ.
12 Tráng ống hút với nước cất, lặp lại động tác hút nhiều lần.
13 Thay dây buộc ống NKQ (chú ý thay đổi vị trí buộc). Chú ý buộc dây mới trước khi tháo dây cũ.
14 Dùng ống tiêm xà bóng chèn NKQ.
15 Xê dịch ống NKQ sang chỗ khác, tránh đè cấn lâu một chỗ.
16 Dùng ống tiêm bơm lại ống chèn NKQ:

  • Phương pháp dùng áp lực kế: Bơm với áp lực 20 – 25 cmH20
  • Phương pháp dùng ống nghe đặt ở khí quản : Bơm dần ống lên đến khi mất tiếng rít, kéo lui dần píttông để nghe thấy một tiếng rít nhỏ.
  • Bơm khoảng 7cc khí
17 Hút đàm ở mũi miệng người bệnh.
18 Làm sạch răng người bệnh.

  • Dùng que đè lưỡi để mở rộng miệng người bệnh.
  • Dùng kềm gắp gòn nhúng nước muối vừa đủ chà răng người bệnh.
19 Dùng gạc làm sạch lưỡi.
20 Thoa Vaselin lên môi người bệnh.
21 Dẹp bồn hạt đậu và khăn.
22 Tháo găng tay – rửa tay.
23 Vỗ lưng người bệnh.
24 Cho người bệnh nằm lại tiện nghi.
25 Dọn dẹp dụng cụ.

V. ĐÁNH GIÁ, GHI HỒ SƠ VÀ BÁO CÁO

  • Ghi chú điều dưỡng, ngày giờ chăm sóc, tình trạng ống NKQ, tính chất đàm, số lượng, phản ứng người bệnh.
  • Báo cáo bác sĩ nếu đàm đặc, khó hút để bác sĩ cho hướng xử lý.
  • Lập kế hoạch chăm sóc tiếp theo.

VI. HƯỚNG DẪN NGƯỜI BỆNH VÀ GIA ĐÌNH

  • Giải thích cho gia đình người bệnh hiểu rõ sự cần thiết phải chăm sóc.
  • Nhắc nhở gia đình không tự ý hút đàm cho người bệnh.
  • Hướng dẫn gia đình báo cáo ngay cho điều dưỡng nếu người bệnh có những dấu hiệu bất thường: khó thở, chảy máu, tình trạng tắc nghẽn, tuột ống NKQ,…

VII. AN TOÀN CHO NGƯỜI BỆNH

  • Tháo bóng chèn: Chỉ thực hiện khi có chỉ định thay ống NKQ.
  • Hút đàm phải nhẹ nhàng, thận trọng tránh gây ho nhất là ở người bệnh tai biến mạch máu não.
  • Áp lực hút: – 80 đến 120 mmHg (-100 --> -150 cmH2O)
  • Mỗi lần hút không quá 15 giây.
  • Bắt mạch : Nếu mạch chậm dưới 40 lần/phút phải ngừng hút, báo bác sĩ.
  • Theo dõi và quan sát người bệnh trong thời gian hút đàm.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *