Kỹ thuật gây dính màng phổi bằng thuốc/hóa chất qua ống dẫn lưu màng phổi

I. ĐẠI CƯƠNG

Gây dính màng phổi qua ống dẫn lưu là thủ thuật bơm thuốc hoặc hóa chất pha dưới dạng dung dịch qua ống dẫn lưu vào khoang màng phổi để làm dính lá thành và lá tạng màng phổi.

II. CHỈ ĐỊNH

– Tràn dịch màng phổi ác tính, dịch tái phát nhanh (chọc tháo > 500ml/ngày).
– Tràn dịch màng phổi dịch thấm tái phát nhanh và thất bại với các phương pháp điều trị khác.
– Tràn khí màng phổi với các đặc điểm:
+ Tái phát.
+ Có kén khí phổi.
+ Có các bệnh lý phổi khác: giãn phế nang, COPD…

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Người bệnh có chống chỉ định đặt ống dẫn lưu màng phổi.
– Tràn dịch màng phổi ác tính có bít tắc phế quản do u gây xẹp phổi.
– Người bệnh có rối loạn huyết động, rối loạn nhịp tim nặng không điều chỉnh được.
– Người bệnh đang có suy hô hấp nặng.
– Người bệnh cường giáp không gây dính được với Povidone iodine

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện
Bác sĩ, điều dưỡng: thực hiện quy trình vô khuẩn khi làm thủ thuật.

2. Thuốc và dụng cụ
– Bột talc vô khuẩn: 10g (hoặc povidon iodin 30%).

– Natriclorua 0.9% 250ml: 2 chai.
– Lidocain 2% 2ml: 5 ống.
– Perfalgan 1g : 1 lọ.
– Feldene 20mg: 1 ống.
– Atropin 1/4mg: 2 ống.
– Hộp chống shock.
– Bộ dụng cụ thay băng cắt chỉ.
– Bơm ăn 50ml (hoặc bơm tiêm 50ml): 1 cái.
– Bơm tiêm 20ml: 1 cái.
– Bơm tiêm 5ml: 1 cái.
– Dây truyền: 1 bộ.
– Găng vô trùng: 2 đôi.
– Găng sạch: 2 đôi.

3. Người bệnh
– Giải thích cho người bệnh và gia đình mục đích của thủ thuật, và cho ký giấy đồng ý làm gây dính màng phổi.

– Chuẩn bị phim chụp X quang phổi, CT scan ngực (nếu có).
– Xét nghiệm hormon tuyến giáp FT3, FT4, TSH nếu dự định gây dính bằng povidone iodine.
– Người bệnh tràn dịch màng phổi cần phải hút dịch tối đa trước khi gây dính.
– Hướng dẫn người bệnh cách thay đổi tư thế khi gây dính.
– Tiêm bắp 1 ống felden 20mg trước khi tiến hành 15 phút.
– Ngâm đầu nối dẫn lưu trong dung dịch iode 1% trước khi tiến hành 15 phút.
– Truyền tĩnh mạch perfalgan ngay trước khi làm thủ thuật.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

– Ngừng hút dẫn lưu màng phổi.
– Hòa 10g bột talc (hoặc 20ml povidone iodine), 5 ống Lidocain 2% với 50ml Natriclorua 0.9% trong một bát. Khuấy đều.
– Hút dung dịch bột talc vào bơm 50ml.
– Kẹp dẫn lưu ở phía người bệnh.
– Tháo đầu nối dẫn lưu.
– Lắp bơm có dung dịch bột talc vào đầu dẫn lưu.
– Mở kẹp dẫn lưu.
– Bơm dung dịch bột talc qua dẫn lưu vào khoang màng phổi.
– Nối lại hệ thống dẫn lưu kín.
– Kẹp dẫn lưu (trường hợp tràn khí nhiều hoặc người bệnh tràn khí có suy hô hấp không kẹp dẫn lưu).
– Người bệnh thay đổi tư thế mỗi 15 phút.

– Mở kẹp dẫn lưu và hút dẫn lưu sau 2 giờ

VI. THEO DÕI

Các dấu hiệu lâm sàng: mệt, đau ngực, khó thở, tràn khí dưới da…

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ LÝ

1. Triệu chứng cường phế vị
– Triệu chứng: mệt, choáng, mạch chậm, huyết áp hạ.

– Xử trí: ngừng thủ thuật, cho người bệnh nằm đầu thấp, tiêm bắp 2 ống Atropin 1/4mg, theo dõi monitor mạch, huyết áp, độ bão hòa oxy máu, đặt đường truyền tĩnh mạch ngoại vi khi huyết áp < 90/60mmHg.

2. Sốt, đau ngực
Do viêm màng phổi. Xử trí với thuốc giảm đau, hạ sốt.

3. Nhiễm trùng khoang màng phổi
– Người bệnh có sốt, số lượng bạch cầu và bạch cầu trung tính máu ngoại vi tăng cao, chọc dò dịch màng phổi là dịch viêm mủ.

– Xử trí: kháng sinh, chọc rửa màng phổi nếu có ổ dịch mủ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Y tế “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật bệnh viện tập 1”. Nhà Xuất bản Y học (1999).

2. Alfred P. Fishman, Jack A. Elias, Jay A. Fishman,”Pulmonary diseases and disorders”, 4th Mc Graw Hill company, 2008.
3. BTS guidelines for the management of malignant pleural effusions. Thorax 2003;58:ii29-ii38.
4. BTS guidelines for the management of spontaneous pneumothorax. Thorax 2003;58:ii39-ii52.
5. Das SK, Saha SK, Das A, et al. A study of comparison of efficacy and safety of talc and povidone iodine for pleurodesis of malignant pleural effusions. J Indian Med Assoc. 2008 Sep;106(9):589-90, 592.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *