Kỹ thuật nội soi siêu âm can thiệp – Chọc hút tế bào khối u gan, tụy, u ổ bụng bằng kim nhỏ

I. ĐỊNH NGHĨA

Chọc hút tế bào u gan, u tụy là kỹ thuật lấy bệnh phẩm để xét nghiệm tế bào học, mô bệnh học tại tổn thương và thủ thuật này được thực hiện dưới sự hướng dẫn của siêu âm nội soi.

II. CHỈ ĐỊNH

  • Khối u tụy
  • Chẩn đoán và xử trí tổn thương nang tụy
  • Khối tổn thương quanh tụy
  • Tổn thương gan trái

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Người bệnh suy hô hấp, nhồi máu cơ tim.
  • Rối loạn đông máu nặng, giảm tiểu cầu.
  • Không thể quan sát tổn thương (trướng hơi, nhiều dịch trong ổ bụng).
  • Mạch máu lớn tại vị trí chọc hút.
  • Nguy cơ di căn theo kim chọc hút (tổn thương thân, đuôi tụy).

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

  • 01 bác sĩ chuyên khoa,  02 điều dưỡng điều dưỡng (01 phụ giữ người bệnh, 01 hỗ trợ chọc hút tế bào).

2. Dụng cụ

  • Máy siêu âm nội soi, có đầu dò convex 360 và đầu dò linear để chọc hút.
  • Kim chọc hút: 19 Gauge (u dưới niêm mạc), 22 G ( u tụy), 25 G (hay dùng).
  • Các dụng cụ khác: bơm và kim tiêm, thuốc sát khuẩn, thuốc tiền mê (propofol, midazolam/ fentanyl), lam kính, cồn tuyệt đối để cố định tiêu bản, khăn trải có lỗ.
  • Máy theo dõi mạch, huyết áp, SpO2.

3. Người bệnh

  • Đối với người bệnh ngoại trú nên nằm lưu tại bệnh viện vài ngày sau làm thủ thuật. Một số trường hợp chọc hút cần dùng kháng sinh đường uống 3 – 5 ngày.
  • Được giải thích trước về thủ thuật.
  • Chuẩn bị tương tự soi dạ dày.
  • Kiểm tra bilan đông máu, điều chỉnh các rối loạn đông máu.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Người bệnh

  • Nằm tư thế nghiêng trái, đầu và ngực hơi cao, vai trái hơi ra sau, chân phải gập ra trước (giống tư thế soi dạ dày).

2. Tiền mê

  • Propofol hoặc midazolam/fentanyl đường tĩnh mạch hoặc đặt nội khí quản tùy trường hợp. Mắc monitor theo dõi mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở.

3. Kỹ thuật

  • Đưa đầu dò siêu âm nội soi xuống tá tràng, sau đó rút dần đầu dò siêu âm lên để xác định vị trí chọc khối  u.
  • Nguyên tắc là lựa chọn vị trí sinh thiết trên mặt cắt “thẳng và đường ngắn”.
  • Kỹ thuật chọc hút:
    + Trước khi chọc hút, xác định vị trí và hình ảnh tổn thương trên siêu âm nội soi và xác định vị trí không có mạch máu đan xen bằng mở phổ siêu âm doppler đánh giá. Bằng việc sử dụng tần số có thể thay đổi phạm vi đầu dò (sâu/nông) để tìm vị trí chọc hút mà không có mạch máu đi qua.
    + Siêu âm hoặc nội soi xác định vỏ của kim chọc hút bằng cách đẩy thử qua kênh sinh thiết, nếu đẩy khó qua có thể bị gập góc nên cần phải điểu chỉnh để có thể đẩy qua mà không gặp cản trở. Một cách để tìm đường cho kim chọc hút qua được ống soi là gập đầu ống soi xuống ở vị trí thẳng giúp hạn chế tổn thương đầu dò khi đưa kim chọc hút qua.
    + Đo khoảng cách xa  nhất từ đầu kim chọc hút tới vị trí chọc để không chọc quá vị trí tổn thương.
    + Đẩy kim qua lớp niêm mạc vào hướng vào trong tổn thương dưới hướng dẫn siêu âm nội soi.
    + Rút nòng ra khỏi kim và nối kim vào một bơm tiêm và hút với áp lực âm, sau đó di chuyển kim qua lại bên trong tổn thương.
Lưu ý: Không đưa kim ra khỏi vị trí sinh thiết khi trong quá trình lấy tế bào. Do đầu ống soi sẽ di chuyển cùng với kim trong quá trình chọc hút, nên cần phải giữ chắc trục của ống soi để quan sát được kim trên siêu âm trong quá trình làm thủ thuật. 
  • Lấy bệnh phẩm bằng cách đẩy nòng (stylet) qua kim chọc hút hoặc bơm nước muối sinh lý hoặc bơm khí.
  • Gửi xét nghiệm tế bào học.

VI. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

Người bệnh sau làm thủ thuật cần được theo dõi trên 6 giờ, không cần lưu tại bệnh viện vài ngày.
Biến chứng khi chọc hút dưới siêu âm nội soi khoảng 2 – 6% .
  • Nhiễm trùng.
  • Chảy máu, tụ máu trong thành ruột.
  • Viêm tụy cấp (chọc tổn thương tụy).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *