Xét nghiệm sinh thiết là một trong những thủ thuật y khoa phổ biến, trong đó, các mẫu tế bào hoặc mô được lấy ra và quan sát dưới kính hiển vi, cũng có thể được dùng để phân tích hóa học. Mục đích của xét nghiệm là đánh giá và phát hiện các tế bào ung thư hay các biến đổi bất thường trong cấu trúc của vùng được lấy mẫu sinh thiết. Có thể lấy mẫu xét nghiệm sinh thiết ở bất cứ bộ phận nào như da,nội tạng hay các cấu trúc bên trong cơ thể.
Nội dung bài viết
1. Phân loại xét nghiệm sinh thiết
1.1. Sinh thiết tủy xương
Với trường hợp bệnh nhân bị nghi ngờ có vấn đề về máu thì sinh thiết tủy xương là một trong những xét nghiệm sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện. Xét nghiệm có khả năng chẩn đoán tình trạng có hoặc không ung thư, nhiễm trùng, thiếu máu hay tình trạng di căn của tế bào ung thư đã tới xương hay chưa.
1.2.Sinh thiết nội soi
Xét nghiệm được thực hiện đi kèm với thủ thuật nội soi với các bộ phận như dạ dày, đại tràng, ruột non, phổi, bàng quang,… Để lấy mẫu sinh thiết, bác sĩ cần dùng một ống nội soi có gắn đèn sáng, camera và quan sát hình ảnh qua màn hình vi tính. Quá trình thu thập mẫu mất từ 10 – 20 phút, có thể khiến người bệnh cảm thấy khó chịu và hơi đau tức.
1.3. Sinh thiết kim
Sinh thiết kim là xét nghiệm được dùng với mục đích lấy mẫu da hoặc mô bất kì từ các cơ quan hay khối u. Xét nghiệm thực hiện bằng việc đâm xuyên một ống kim dài tới nơi cần lấy mẫu sinh thiết.
Sinh thiết kim được chia ra thành:
-
Sinh thiết kim nhỏ: Dùng hút chất lỏng và tế bào trong trường hợp bướu cổ hoặc các khối u có thể sờ thấy được.
-
Sinh thiết kim lõi: là xét nghiệm sử dụng kim sinh thiết có kích thước từ trung bình đến lớn nhằm tiếp cận trung tâm lõi mô cần sinh thiết. Thường dùng nhiều trong việc sinh thiết u vú, u gan,….
-
Sinh thiết tựa trục: thường được chỉ định thực hiện với u vú.
-
Sinh thiết hỗ trợ chân không: là xét nghiệm sinh thiết được hỗ trợ bởi các thiết bị hút chân không. Điều này giúp các tổn thương hay vết mổ không để lại sẹo to, sẹo xấu.
1.4. Sinh thiết da
Xét nghiệm sinh thiết da được chỉ định khi người bệnh có các dấu hiệu về tổn thương da, phát ban hay nghi ngờ về một trạng thái không đáp ứng với phác đồ điều trị. Xét nghiệm có thể hiến hành gây tê, sau đó loại bỏ một phần da nhỏ hoặc sinh thiết bấm để lấy một mẫu da.
1.5. Sinh thiết phẫu thuật
Khi bệnh nhân xuất hiện các vùng bất thường cần sinh thiết nhưng các xét nghiệm sinh thiết nói trên không thể đáp ứng hay đảm bảo an toàn và tính hiệu quả cao cho việc chẩn đoán thì sinh thiết phẫu thuật sẽ được chỉ định. Mẫu sinh thiết được lấy trực tiếp khi phẫu thuật và phân tích ngay trong cuộc phẫu thuật.
1.6. Sinh thiết cắt bỏ
Trong sinh thiết cắt bỏ, một phần hoặc toàn bộ khối u có thể được lấy ra để tìm tế bào bất thường. Sinh thiết cắt bỏ được thực hiện dưới gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân, phụ thuộc vào vị trí của khối u. Loại sinh thiết này có thể thực hiện cho khối u ở vú.
2. Quy trình thực hiện xét nghiệm sinh thiết
2.1. Trước khi thực hiện sinh thiết
Với một vài thủ thuật sinh thiết, bạn sẽ cần thực hiện một số yêu cầu của bác sĩ như nhịn ăn vài giờ đồng hồ trước xét nghiệm máu hay đánh giá khả năng dị ứng với các chất sử dụng trong khi thực hiện thủ thuật. Bạn cũng nên thông báo tình trạng sức khỏe hoặc các loại thuốc đang sử dụng tới bác sĩ.
2.2. Trong khi thực hiện sinh thiết
Các mẫu mô sinh thiết sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm và sẽ do chuyên viên kiểm nghiệm kiểm tra. Trong trường hợp ung thư, chuyên viên kiểm nghiệm sẽ cần xác định xem mẫu đó là u ác tính hay lành tính. Nếu trường hợp ác tính, họ sẽ đánh giá ung thư đã xâm lấn hay tiến triển như thế nào. Còn trường hợp lành tính, sẽ tùy thuộc vào kích thước của khối u và có nguy cơ trở thành ác tính hay không, bác sĩ sẽ đưa ra hướng giải quyết phù hợp.
2.3. Sau khi thực hiện sinh thiết
Mẫu sinh thiết sau khi được lấy và gửi đi xét nghiệm, phân tích theo các phương pháp cụ thể. Sau sinh thiết, bạn có thể sẽ thấy đau do hết thuốc gây tê và có thể cần sử dụng một số loại thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ. Hầu hết các bệnh nhân sau thực hiện xét nghiệm có thể ngoại trú và trở về nhà. Tuy nhiên, với một vài trường hợp, người bệnh cần được theo dõi tại bệnh viện khi thực hiện gây mê toàn thân.
3. Tác dụng của sinh thiết
Một số tác dụng của xét nghiệm sinh thiết bao gồm:
- Sinh thiết ung thư: Nếu bệnh nhân có một khối u hoặc sưng ở đâu đó trong cơ thể mà không có nguyên nhân rõ ràng, cách duy nhất để xác định liệu đó có phải là ung thư hay không đó là thông qua xét nghiệm.
- Sinh thiết dạ dày: Thủ thuật này có thể giúp bác sĩ xác định các tình trạng của dạ dày như loét dạ dày có do thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) gây ra hay không. Sinh thiết ruột non có thể được sử dụng để đánh giá bệnh nhân bị kém hấp thu, thiếu máu hoặc bệnh celiac.
- Sinh thiết gan: Điều này có thể giúp bác sĩ chẩn đoán khối u, hoặc ung thư trong gan, chẩn đoán xơ gan, hoặc xơ gan, khi gan bị sẹo do chấn thương hoặc bệnh trước đó, chẳng hạn như lạm dụng rượu hoặc viêm gan lâu dài. Sinh thiết cũng có thể được sử dụng để đánh giá bệnh nhân đáp ứng với phác đồ điều trị như thế nào.
- Xét nghiệm nhiễm trùng: Sinh thiết kim có thể giúp xác định liệu bệnh nhân có bị nhiễm trùng hay không, và loại sinh vật nào gây ra.
- Xét nghiệm viêm: Bằng cách kiểm tra các tế bào, ví dụ như sinh thiết bằng kim, bác sĩ có thể xác định được nguyên nhân gây ra viêm.
Đôi khi, sinh thiết còn được thực hiện trên các cơ quan cấy ghép để xác định xem liệu cơ thể có đang thích ứng với nội tạng vừa được cấy ghép hay không.
Sinh thiết là một kỹ thuật khá phức tạp, do đó, bác sĩ sẽ chỉ làm sinh thiết sau khi đã thực hiện những kỹ thuật chẩn đoán dễ hơn (chụp X.quang, siêu âm, xét nghiệm) mà vẫn chưa khẳng định chắc chắn bệnh tật. Theo các chuyên gia thì xem mô hoặc tế bào dưới kính hiển vi bao giờ cũng cho những kết quả chẩn đoán chính xác nhất và rất hiệu quả khi xác định bản chất của một khối u: U lành hay u ác tính. Khi đã xác định là u ác tính, bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết các mô lân cận để xem khối u đã di căn hay chưa, từ đó có liệu pháp điều trị thích hợp cho bệnh nhân.