Quy trình đặt ống thông dạ dày

I. ĐẠI CƯƠNG / ĐỊNH NGHĨA

Đặt ống thông dạ dày là kỹ thuật đưa ống thông qua đường miệng hoặc đường mũi vào dạ dày người bệnh.

II. CHỈ ĐỊNH

  • Để nuôi dưỡng: đối với những người bệnh hôn mê, co giật, trẻ đẻ non (phản xạ mút, nuốt kém), dị dạng đường tiêu hóa nặng hoặc ăn bằng đường miệng có nguy cơ suy hô hấp hoặc ngạt.
  • Để rửa dạ dày: trong trường hợp ngộ độc cấp hoặc chảy máu.
  • Để dẫn lưu dịch dạ dày, giúp giảm áp lực trong ống tiêu hóa: trong các trường hợp tắc ruột, liệt ruột cơ năng (viêm tụy cấp…) hoặc sau phẫu thuật đường tiêu hóa.
  • Theo dõi tình trạng chảy máu dạ dày, sự tái phát của chảy máu dạ dày.
  • Lấy dịch dạ dày làm xét nghiệm.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Tổn thương ở thực quản: u, rò, bỏng thực quản dạ dày do axít hoặc kiềm mạnh, teo thực quản.
  • Nghi thủng dạ dày.
  • Áp xe thành họng.
  • Tổn thương vùng hàm mặt.
  • Bệnh ở thực quản: co thắt, chít hẹp, phình tĩnh mạch, động mạch thực quản.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện  
  • Một điều dưỡng.
2. Phương tiện  
  • Ống Faucher cỡ to 14-22 (đường kính trong từ 6-10mm).
  • Găng tay sạch: 2 đôi.
  • Dầu nhờn: K – Y hoặc parafin.
  • Gạc vô trùng.
  • Băng dính.
  • Túi dẫn lưu ống thông dạ dày.
  • Ống nghe. Bộ đo huyết áp.
  • Bơm tiêm 50 ml, máy hút (nếu có).
  • Ống nghiệm, giá đựng ống nghiệm, giấy xét nghiệm (nếu có).
  • Hộp thuốc chống sốc.
  • Bát kền.
3. Người bệnh  
  • Động viên, giải thích cho người bệnh thủ thuật sắp làm để người bệnh yên tâm và hợp tác. Nếu người bệnh hôn mê phải giải thích cho người nhà.
  • Tháo răng giả (nếu có).
  • Nếu hôn mê có nguy cơ sặc: đặt nội khí quản có bóng chèn, bơm căng bóng.
4. Hồ sơ bệnh án 

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Kiểm tra hồ sơ 
2. Kiểm tra người bệnh  
3. Thực hiện kỹ thuật 
  • Đặt người bệnh ở tư thế nửa nằm nửa ngồi (người bệnh tỉnh) hoặc nằm đầu thấp, mặt nghiêng về bên trái (người bệnh hôn mê).
  • Đo độ dài của ống thông (đo từ cánh mũi tới dái tai vòng xuống mũi ức, khoảng 45- 50 cm là ngang phần đáy dạ dày hoặc từ răng cho đến rốn).
  • Bôi trơn đầu ống thông (khoảng 5 cm, không để dầu đọng trong ống làm người bệnh sặc).
  • Bảo người bệnh há miệng hoặc dùng dụng cụ mở miệng hoặc canun Guedel (người bệnh không tỉnh), luồn ống thông qua miệng. Nếu khó khăn có thể luồn qua mũi theo đường đi của lỗ mũi.
  • Nhẹ nhàng đưa ống vào miệng, sát má, tránh vòm họng và lưỡi gà, động viên người bệnh nuốt mặc dầu rất khó chịu, trong khi đó người điều dưỡng từ từ đẩy ống và đến khi vạch đánh dấu chạm tới cung răng thì dừng lại. Nếu người bệnh có sặc, ho dữ dội, tái mặt, tím môi thì rút ra và đưa lại.
  • Kiểm tra xem ống thông đã vào đúng dạ dày chưa bằng ba cách: bơm khí khoảng 30 ml và nghe vùng thượng vị thấy tiếng sục của khí qua nước hoặc dùng bơm tiêm hút dịch vị hoặc nhúng đầu ngoài của ống thông vào cốc nước sạch không thấy sủi khí.
  • Cố định ống thông dạ dày bằng băng dính.
  • Lắp túi dẫn lưu vào đầu ống thông dạ dày.
  • Ghi hồ sơ bệnh án: loại ống thông, kích cỡ, sự hợp tác của người bệnh trong quá trình làm thủ thuật và phương pháp kiểm tra vị trí của ống thông.

VI. THEO DÕI

  • Toàn trạng: mạch, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ.
  • Phản xạ ho sặc tránh hít phải dịch.
  • Trường hợp lưu ống thông, thì sau 3 – 7 ngày (tùy điều kiện) thay ống thông và đổi lỗ mũi.

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

  • Nôn mửa gây sặc dịch dạ dày: máy hút, đặt nội khí quản.
  • Nhịp tim chậm, ngất do kích thích dây X: hồi sức cấp cứu.
  • Đặt nhầm vào khí quản: khi thấy người bệnh ho, sặc, tím môi phải rút ống thông ngay.
  • Tổn thương vùng mặt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *